Đó là chia sẻ của ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về các yếu tố tạo nên tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Theo ông Christian Manhart, Việt Nam có 8 khu di sản văn hóa thế giới và 14 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đây thực sự là điểm nổi bật.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển tiềm năng văn hóa hướng tới phát triển bền vững, và hơn hết Chính phủ đã và đang thúc đẩy những giá trị này.
"Hiếm có quốc gia nào trên thế giới hiểu rõ và quảng bá điều này tốt đến như vậy", Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhận định.
Chia sẻ về một số địa điểm du lịch yêu thích, ông Christian Manhart cho biết, sau hơn một năm làm việc tại Việt Nam, ông đã có khá nhiều cơ hội đi du lịch.
"Có thể nói, Cố đô Huế và các di tích văn hóa là địa điểm du lịch vô cùng đặc biệt với tôi. Tôi có ấn tượng sâu sắc với cách Cung điện được bảo tồn và phục dựng sau khi bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, đặc biệt nhất là khu lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn. Đây thực sự là những điểm mang giá trị nổi bật tiêu biểu trong danh sách di sản thế giới", Trưởng đại diện UNESCO nhấn mạnh.
Về các địa điểm văn hóa, ông Christian Manhart ấn tượng nhất với di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Ông đã tham quan Vườn quốc gia bằng đường bộ, leo núi dốc và thăm một vài hang động.
Ông Christian Manhart chia sẻ: "Tôi đã tới hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất châu Á và thậm chí là lớn nhất thế giới. Các hang động tưởng chừng nhỏ nhưng lại có diện tích lớn đến mức tôi có thể bơi trên những dòng sông ngay trong hang". Trưởng đại diện UNESCO coi chuyến đi tới Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng là chuyến đi để đời của bản thân.
Theo Trưởng Đại diện UNESCO, Việt Nam đang đứng trước hai thách thức lớn. Thách thức thứ nhất là phát triển du lịch và thu hút khách du lịch một cách bền vững. Để vượt qua thử thách đầu tiên, Việt Nam cần tìm cách hài hòa giữa phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng với bảo tồn thiên nhiên và văn hóa.
Thách thức thứ hai là Việt Nam phải hứng chịu rất nhiều tác động của biến đổi khí hậu như lũ lụt, xói mòn, thiên tai. Giải pháp cho thách thức này là cách tiếp cận bền vững đối với du lịch và phát triển.
Văn hóa và du lịch mang lại nhiều lợi ích như các cơ hội kinh doanh, đào tạo phát triển, nâng cao thu nhập và tạo ra nhiều việc làm mới. Mặt khác việc khai thác quá mức các khu di sản và phát triển du lịch ồ ạt tạo ra nhiều rủi ro, dẫn đến tàn phá các điểm di sản và về lâu dài sẽ làm mất đi sức hấp dẫn của các di sản văn hóa. Khi đó các di sản này sẽ không còn sức hút đối với khách du lịch nữa.
Việt Nam đã trải qua hai năm gián đoạn du lịch do COVID-19 và vừa mở cửa trở lại các hoạt động du lịch vào tháng 3 năm 2022. Du lịch đang phục hồi rất tốt, chủ yếu nhờ vào lượng khách du lịch trong nước. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn chậm và không bằng như trước dịch COVID-19.
Trong hai năm gián đoạn này, Việt Nam đã mất đi rất nhiều lao động lành nghề trong lĩnh vực du lịch và nhiều doanh nghiệp du lịch phá sản. Rất khó khăn đối với các công ty du lich này để khởi động lại.
Một biện pháp thúc đẩy du lịch là tạo thuận lợi cho thủ tục cấp thị thực cho khách du lịch. Trước thời điểm COVID-19, khách du lịch có thể được cấp thị thực 3 tháng, còn bây giờ họ chỉ được 1 tháng mà không được gia hạn hoặc khi muốn gia hạn lại, họ phải xuất cảnh khỏi Việt Nam.
Vì vậy, ông Christian Manhart khuyến nghị, Việt Nam sẽ có lợi thế trong việc thu hút khách du lịch nước ngoài nếu cập nhật các quy định và cấp thị thực dài hơn cho khách nước ngoài cũng như đơn giản hóa các thủ tục cấp thị thực.
Đề cập tới hướng đi phù hợp để ngành du lịch Việt Nam phục hồi bền vững, Trưởng Đại diện UNESCO cho rằng, Việt Nam nên phát triển các sản phẩm du lịch bền vững và sáng tạo, có sự tham gia của cộng đồng địa phương.
Cộng đồng địa phương cần được có tiếng nói với việc quản lý các địa điểm du lịch và đóng vai trò trong việc ra quyết định.
Thêm vào đó, Việt Nam cần tăng cường mối quan hệ hợp tác công-tư. Chính phủ và các tổ chức công nên tham khảo ý kiến nhiều hơn nữa từ các doanh nghiệp tư nhân với các bên liên quan khác cũng như với khách du lịch để hài hòa các phương pháp tiếp cận và có sự phối hợp tốt hơn.
Đối với việc nâng cao năng lực trong ngành du lịch, Việt Nam đã mất rất nhiều lao động lành nghề trong cuộc khủng hoảng COVID-19, do đó ngành du lịch nên chú trọng tới việc đào tạo trong mọi lĩnh vực như kinh doanh khách sạn, nhà hàng và hướng dẫn viên du lịch, nhằm nâng cao chất lượng du lịch và mang lại trải nghiệm tốt hơn cho du khách.
Vừa qua, phía UNESCO thực hiện một dự án phát triển cộng đồng tại Hội An với mục tiêu thúc đẩy quảng bá và phát triển du lịch xanh dựa trên nền tảng văn hóa, hướng dẫn cho cho các khách sạn, công ty lữ hành và cả khách du lịch cách tiếp cận bền vững hơn, chẳng hạn như giảm thiểu và tái chế chất thải.
Bên cạnh đó, UNESCO cũng tổ chức tập huấn đào tạo quản lý kinh doanh cho lao động nữ tại khu di sản Tràng An, chủ yếu là những người chèo thuyền cho du khách đến thăm nơi đây.
Họ được hướng dẫn cách tiếp thị bản thân tốt hơn, làm thế nào để có thu nhập khác ngoài việc chèo đò cho khách, như tiếp thị các sản phẩm nông sản của hộ kinh doanh gia đình hoặc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác.
Ông Christian Manhart cam kết rằng, UNESCO sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ cũng như khu vực tư nhân phát triển du lịch bền vững hơn tại Việt Nam.
Thùy Dung