In bài viết

Điểm sáng cải cách: Đến trung tâm y tế đổi… giấy phép lái xe

(Chinhphu.vn) - Tại phiên họp sáng 19/7 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, các địa phương đã báo cáo về nhiều cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những điểm sáng trong công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

19/07/2023 11:33
Điểm sáng cải cách: Đến trung tâm y tế đổi… giấy phép lái xe - Ảnh 1.

Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Mô hình đột phá ở Đà Nẵng

Theo báo cáo, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo bằng văn bản các đơn vị rà soát, bãi bỏ các thủ tục có thành phần hồ sơ là sổ hộ khẩu, tạm trú, công bố mới lại bộ thủ tục hành chính, đến nay hầu hết các sở, ban, ngành đã công bố ban hành lại bộ thủ tục hành chính cấp sở, quận, huyện, phường xã (thuộc chuyên môn quản lý) có thành phần hồ sơ liên quan đến sổ hộ khẩu, tạm trú.

Thành phố cũng tập trung nguồn lực và trang thiết bị triển khai thủ tục "3 trong 1" liên quan đến khai sinh (cấp giấy khai sinh, cấp thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế) và khai tử (khai tử - xoá đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí) từ ngày 10/7/2023. Bước đầu triển khai tuy có một số vướng mắc, khó khăn nhất định, tuy nhiên với sự phối hợp nhịp nhàng trong xử lý công việc của đơn vị có liên quan, do đó thành phố cũng đã hoàn thành các yêu cầu đề ra.

Điểm sáng cải cách: Đến trung tâm y tế đổi… giấy phép lái xe - Ảnh 2.

Điểm đặc biệt của TP. Đà Nẵng là việc thực hiện "Đến trung tâm y tế để được cấp đổi giấy phép lái xe", đây là mô hình đột phá trong chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các giải pháp mới trong công tác cải cách hành chính, được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá xếp thứ nhất theo kết quả công bố bộ chỉ số chuyển đổi số năm 2022 (3 năm dẫn đầu liên tiếp), đem lại những tín hiệu tích cực trong giai đoạn đầu triển khai.

Đáng chú ý, Thành phố triển khai thí điểm dịch vụ công toàn trình (cấp độ 4) đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe trên địa bàn. Điểm đặc biệt của TP. Đà Nẵng đó chính là việc thực hiện "Đến trung tâm y tế để được cấp đổi giấy phép lái xe". Đây là mô hình đột phá trong chuyển đổi số, theo đó người dân chỉ cần một bước đến khám sức khỏe tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng), cung cấp thông tin, giấy phép lái xe cũ sẽ được hỗ trợ thực hiện các thủ tục và trả giấy phép mới tại nhà cho công dân.

Nền tảng công dân số Thành phố hiện có 260.000 tài khoản điện tử của công dân, doanh nghiệp để đăng nhập, sử dụng dịch vụ trên mạng của chính quyền thành phố. Cơ bản mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khoẻ điện tử kết hợp với mã (ID) duy nhất; mỗi học sinh có 1 mã (ID) duy nhất gắn với học bạ điện tử; toàn thành phố có 2,2 triệu tài khoản mang xã hội, trong đó có gần 1 triệu tài khoản Zalo.

Cà Mau giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết đã nghiên cứu, triển khai thực hiện nhiều mô hình mới nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh, như việc thực hiện thí điểm liên thông những thủ tục có cùng thành phần hồ sơ, hoặc kết quả giải quyết của thủ tục này là hồ sơ đầu vào của thủ tục khác.

Cụ thể, tỉnh đã triển khai thực hiện thí điểm liên thông một số thủ tục lĩnh vực đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, môi trường, đất đai, xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường. Theo đó người dân chỉ nộp hồ sơ một lần tại bộ phận một cửa nhưng nhận được nhiều kết quả; cắt giảm đáng kể thời gian và số lần đi lại cho người dân, doanh nghiệp.

Đáng chú ý, tỉnh triển khai tiếp nhận giải quyết thủ tục theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Cụ thể, UBND tỉnh lựa chọn 83 thủ tục (lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, công thương...) người dân, doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện thường xuyên thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện để giao cho Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tiếp nhận. Theo đó, người dân, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của huyện, thành phố hoặc tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023 có 1.240 hồ sơ.

Qua phân tích, đánh giá hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định triển khai thực hiện thí điểm mô hình giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới theo hướng ngược lại. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chọn 7 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ngành tỉnh giao cho UBND cấp huyện tiếp nhận. Theo đó, cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn, nộp hồ sơ tại bất kỳ bộ phận một cửa của đơn vị cấp huyện nào, không nhất thiết phải nộp hồ sơ tại đơn vị có thẩm quyền giải quyết… Đến nay, đã tiếp nhận 160 hồ sơ.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm "Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến". Kết quả thực hiện vượt cả 3 mục tiêu đề ra.

Cụ thể, toàn tỉnh có 115.833 hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến, đạt 71,81%, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022; thanh toán trực tuyến đạt tỉ lệ 54,76% (năm 2022, tỉ lệ này chưa đạt 1%); tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục đạt 78,26% (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Qua đó, tỉnh đứng đầu cả nước về vị trí xếp hạng theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.

Điểm sáng cải cách: Đến trung tâm y tế đổi… giấy phép lái xe - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố đã chỉ đạo, tập trung thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức tại 175 phường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết quả thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội

Còn Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay, đang tiến hành đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội, trong đó có việc không tổ chức HĐND cấp phường.

Thành phố đã chỉ đạo, tập trung thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức tại 175 phường; quyết định chuyển công chức cấp xã ở phường sang công chức Nhà nước, báo cáo Bộ Nội vụ giao bổ sung 2.625 biên chế công chức tại 175 phường thành công chức cấp quận quản lý, hoạt động theo cơ chế quản lý mới. Kết quả, đã giảm 125 biên chế so với khi chưa thực hiện thí điểm.

Thực tế cho thấy mô hình này là phù hợp, đã đạt được những kết quả nhất định. Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn hơn, tổ chức bộ máy chính quyền ở các quận và thị xã hoạt động nhanh nhạy, thông suốt. Công tác phối hợp giữa chính quyền phường với các cơ quan, đơn vị cơ bản được bảo đảm và có hiệu quả cao. Công tác quản lý Nhà nước được thực hiện đầy đủ chức năng. Cơ quan hành chính phường đã chủ động trong điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn, đặc biệt là những nhiệm vụ mang tính đột xuất, yêu cầu cấp bách phải giải quyết ngay.

Hà Nội kiến nghị điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường theo số lượng dân cư và diện tích tăng thêm hoặc tăng thêm các chế độ, chính sách đối với công chức ở những phường có số lượng dân cư đông (bình quân mỗi phường của Hà Nội có 25.000 dân, thậm chí có phường tới 100.000 người)…

NHNN đẩy mạnh luân chuyển cán bộ

Trong khi đó, tham luận của NHNN tập trung vào vấn đề nhân lực. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết đây là cơ quan đầu tiên tiến hành nghiên cứu, xây dựng và ban hành "Sơ đồ vị trí việc làm và bản mô tả công việc". Đến thời điểm hiện nay, NHNN nằm trong số 5/20 bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; nằm trong số 4/15 bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.

NHNN cũng rất quan tâm, đẩy mạnh thực hiện công tác luân chuyển cán bộ. Kể từ khi Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển được ban hành, đã có 4 đồng chí luân chuyển từ các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại Nhà nước thuộc NHNN quản lý về giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý cấp vụ tại các đơn vị, vụ, cục; 12 đồng chí luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp vụ sang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại Nhà nước; 14 đồng chí luân chuyển giữa các đơn vị, vụ, cục và 9 đồng chí luân chuyển từ ngân hàng thương mại Nhà nước sang giữ các chức vụ giám đốc, phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố.

Hà Văn