In bài viết

Điện ảnh làm mới mình để thích ứng với thời đại

(Chinhphu.vn) - Điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Công nghiệp điện ảnh trở thành một trong những ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hoá Việt Nam. Đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, ngành điện ảnh Việt đang chuyển mình để thích ứng với những thay đổi không ngừng của điện ảnh thế giới.

30/10/2022 14:57
Điện ảnh làm mới mình để thích ứng với thời đại - Ảnh 1.

Ngành điện ảnh Việt đang chuyển mình để thích ứng với những thay đổi không ngừng của điện ảnh thế giới

Những điểm mới trong Luật Điện ảnh năm 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 cho thấy sự phát triển nhanh chóng của điện ảnh trong sự phát triển của kinh tế, xã hội. Đặc biệt là sự bùng nổ của Cách mạng công nghệ lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ tới đời sống thưởng thức điện ảnh. Những người làm điện ảnh sẽ luôn đứng trước cơ hội làm mới mình, bởi điện ảnh là một ngành nghệ thuật được sinh ra và phát triển cùng các bước tiến của công nghệ.

Chuyển đổi số trở thành nhu cầu cấp thiết đối với điện ảnh Việt Nam

Năm 2013 có thể coi như dấu mốc khi hoạt động sản xuất phim Việt Nam hầu như đã hoàn toàn chuyển từ công nghệ phim nhựa sang công nghệ phim kỹ thuật số. Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 (năm 2013), hai bộ phim truyện "Những người viết huyền thoại" và "Scandal - Bí mật thảm đỏ" cùng được vinh danh khi đạt Giải thưởng Bông Sen Vàng dành cho Phim truyện Xuất sắc là một minh chứng rõ nét về sự chuyển đổi này.

Đối với lĩnh vực điện ảnh, sự ra đời và phổ cập tới người dùng các thiết bị thông minh, máy tính, smart phone, smart TV… giúp người xem tiếp cận nhanh với điện ảnh, rút ngắn khoảng cách tiếp cận những tác phẩm điện ảnh từ trong quá khứ tới hiện tại. Chính vì vậy sau 10 năm không còn sản xuất phim nhựa, việc chuyển đổi số trong cách tiếp cận người xem đã trở thành nhu cầu cấp thiết đối với ngành điện ảnh Việt Nam.

Mặt khác, hai năm trở lại đây, hàng loạt các rạp chiếu phim phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng khiến kế hoạch ra rạp của nhiều siêu phẩm điện ảnh bị đảo lộn do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Khán giả thay vì rời khỏi nhà và thưởng thức điện ảnh trên các hàng ghế trước màn ảnh rộng đã buộc phải từ bỏ thói quen đi xem rạp và chọn hình thức xem phim tại nhà.

Theo TS.NSƯT. Nguyễn Thị Thu Hà (Cục phó Cục Điện ảnh), chính sự thay đổi đột ngột xu hướng hưởng thụ điện ảnh này khiến nhiều nhà sản xuất lớn không còn cách nào khác là phải tìm tới các nền tảng phát hành và phổ biến phim trực tuyến như một cứu cánh cho đầu ra của các bộ phim, trong đó bao gồm cả những phim "bom tấn".

Cùng với sự trợ giúp nổi bật của công nghệ 4.0 trên các nền tảng trực tuyến, các tác phẩm điện ảnh được phủ sóng rộng rãi hơn, không phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách, đồng thời cũng thích ứng các quy định về giãn cách xã hội; khán giả có thể lựa chọn linh hoạt về khung giờ, địa điểm với hàng trăm, hàng nghìn sự lựa chọn phong phú trong các kho phim có sẵn. Chỉ trong một cú nhấp chuột đã có thể đưa cả rạp chiếu phim về nhà hay tới bất cứ đâu với chi phí thấp hơn nhiều so với việc ra rạp.

Không nằm ngoài xu hướng phát triển của công nghiệp điện ảnh toàn cầu, điện ảnh Việt Nam tích cực xây dựng, phát triển các nền tảng chiếu phim trên không gian mạng. Chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên Internet kết hợp với các nền tảng phát triển điện ảnh, gắn với phát triển công nghiệp văn hoá, trong đó có công nghiệp điện ảnh.

"Ngành điện ảnh mang theo quyết tâm lớn trong việc chuyển đổi số toàn bộ kho phim Việt, đặc biệt đối với số lượng rất lớn phim Việt Nam, những tư liệu hình ảnh thời kỳ Điện ảnh Cách mạng từ trong bưng biền, Nam Bộ (1947) tới Đồi Cọ, Thái Nguyên (1953) mang trong mình những giá trị như: Di sản tư liệu hình ảnh động quốc gia có tính độc bản, duy nhất khi truyền hình và các phương tiện truyền thông hiện đại khác còn chưa thể có tại Việt Nam", bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.

Như vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, việc xây dựng một nền tảng số chính thức của Nhà nước để phát hành và phổ biến phim trực tuyến sẽ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng, giới thiệu văn hóa đất nước, con người Việt Nam thông qua các tác phẩm điện ảnh có giá trị về nội dung và tư tưởng; lan tỏa rộng rãi tinh thần "Người Việt yêu phim Việt".

Từ các vấn đề đặt ra ở trên, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, việc chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên internet kết hợp với các nền tảng, chương trình phổ biến, phát triển điện ảnh cần được Nhà nước đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nền Điện ảnh Việt Nam. Với những ý nghĩa như trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2649/QĐBVHTTDL ngày 18/10/2021 về việc xây dựng Đề án "Trung tâm phát hành phim trực tuyến"; trong quá trình hoàn thiện xây dựng, Đề án đổi tên thành "Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến".

Quyết định trên đã kịp thời đáp ứng những chỉ đạo, định hướng lớn trong Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức vào tháng 11/2021; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021.

Đề án có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa đến khán giả những tác phẩm điện ảnh Việt Nam có giá trị nội dung và nghệ thuật bằng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh trên nền tảng trực tuyến ngày càng phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển. Đề án mang tầm vóc đặc biệt quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia hiện nay, đáp ứng những tác động tích cực từ Luật Điện ảnh 2022 mới được Quốc hội ban hành.

Để phim Việt sống với thời gian và sống trong lòng khán giả

Ngành điện ảnh là một lĩnh vực công nghiệp văn hóa vốn đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ về âm thanh, hình ảnh trong quá trình sản xuất các sản phẩm điện ảnh từ lâu. Ngày nay, trong giai đoạn công nghệ số bùng nổ, các công nghệ số không chỉ hỗ trợ cho quá trình sản xuất âm thanh, hình ảnh mà tham gia vào hầu hết các khâu của quá trình sản xuất mỗi tác phẩm điện ảnh: từ xây dựng kịch bản, sản xuất nội dung, hoàn thiện tác phẩm, quảng bá, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, phát hành, phân phối, lưu trữ... Các kênh số (truyền hình số, internet...) cũng đang là một phương thức ngày càng trở nên phổ biến trong cách khán giả thưởng thức các tác phẩm điện ảnh, bên cạnh phương thức truyền thống là các rạp chiếu phim.

Ở một góc độ khác, môi trường số, mà đặc biệt là mạng Internet cung cấp nhiều dữ liệu giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thể nắm bắt được dự luận, các phản hồi của xã hội về các tác phẩm điện ảnh, các vấn đề văn hóa, xã hội được nêu trong các tác phẩm điện ảnh. Các dữ liệu đó, nếu được thu thập đầy đủ, được phân tích tốt sẽ giúp các cơ quan quản lý đưa ra các chính sách phù hợp, góp phần định hướng nền điện ảnh, xây dựng một xã hội số tốt đẹp.

Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú (Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam), việc chuyển đổi số trong điện ảnh là cần thiết. Ngoài tác phẩm điện ảnh và các tư liệu hình ảnh thì còn có các tài liệu (thường là bằng văn bản, hồ sơ) liên quan đến chúng, bao gồm các thông tin như lý lịch phim, thời hạn phát hành, phổ biến phim, tình trạng kỹ thuật, bản quyền sử dụng, nơi lưu trữ, các ràng buộc về pháp luật có liên quan đến việc hợp tác, sản xuất, mua, bán, trao đổi, quyền sở hữu, quyền tác giả…vv… cũng cần đồng bộ số hóa.

Như vậy, theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú sẽ có hai việc cần làm ở đây: Thứ nhất là chuyển các tác phẩm điện ảnh hoặc tư liệu hình ảnh động thành tín hiệu số; thứ hai là chuyển các dữ liệu thông tin về các tác phẩm và tư liệu hình ảnh động thành tín hiệu số.

Để chuyển số hóa tác phẩm điện ảnh và tư liệu hình ảnh động được hiệu quả

Các bộ phim cần được sống, sống với thời gian, sống với đất nước, sống trong lòng khán giả. Một đời sống có ý nghĩa của mỗi bộ phim sẽ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của nền điện ảnh dân tộc, đặc biệt là những thước phim đồng hành cùng lịch sử đất nước; khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên môi trường mạng, hòa nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời góp phần ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa trong một thế giới phẳng.

Vì vậy, để công tác chuyển số hóa tác phẩm điện ảnh và tư liệu hình ảnh động được hiệu quả, theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, cần thực hiện nghiêm Luật Điện Ảnh và đưa vào thực hiện nghiêm túc công tác nộp lưu chiểu phim, cần chế tài luật này trước hết với các đơn vị sản xuất phim nhà nước và tư nhân; lập phông dữ liệu và số hóa càng nhanh càng tốt các tác phẩm điện ảnh và hình ảnh tư liệu mới; thực hiện dần việc số hóa các tác phẩm điện ảnh và hình ảnh tư liệu cũ sau khi đã chọn lọc; có chính sách rõ ràng về việc thu thập hình ảnh tư liệu của sở hữu cá nhân hay các đơn vị thông tin (hình thức mua lại, sang nhượng hoặc chia xẻ bản quyền sử dụng, hình thức chế tài, trao đổi…).

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, để kho phim Việt phát huy giá trị, có thể khẳng định hình thức phát hành, phổ biến phim trực tuyến là một trong những cơ hội để Điện ảnh Việt Nam thực hiện được những mục tiêu với nhiều ý nghĩa: Thông qua hoạt động quảng bá những tác phẩm về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, có giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật sống mãi với thời gian, Nhà nước khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng sự phát triển của điện ảnh trong bối cảnh bùng nổ của các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân, thể hiện sự phát triển và xu thế xã hội hóa mạnh mẽ trong điện ảnh; về lâu dài có thể gia tăng nguồn tài chính để tái đầu tư sản xuất, phục vụ đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

"Người Việt xem phim Việt trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, đó là nhiệm vụ hàng đầu của ngành khi thị trường điện ảnh Việt Nam luôn được đánh giá có mức tăng trưởng tích cực, với nguồn khán giả trẻ đông đảo, cũng là những người dùng công nghệ 4.0 áp đảo trong việc hưởng thụ các tác phẩm điện ảnh", bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.

Diệp Anh