![]() |
Một cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh |
Trong đó, với ưu thế một mình chiếm 40 % thị phần rạp ở Việt Nam, tập đoàn CGV của Hàn Quốc được các studio lớn trên thế giới chọn là đơn vị phát hành phim độc quyền tại Việt Nam. Các rạp chiếu phim của CGV đương nhiên ưu tiên phim do CGV phát hành, do đó thường có xu hướng chiếu các phim nước ngoài, đặc biệt là các phim do chính nước họ sản xuất, với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ “vàng” lâu hơn so với phim Việt Nam.
Vài năm gần đây, CGV đã nhận phát hành các phim Việt Nam. Tuy nhiên, dựa vào vị thế là nhà phát hành phim lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, CGV áp đặt tỷ lệ ăn chia riêng biệt ở hệ thống rạp của mình. Nếu là phim Việt Nam do CGV phát hành mà rạp khác muốn chiếu, thì tỉ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55 %, rạp kia chỉ nhận 45 %). Nhưng ngược lại, nếu phim do doanh nghiệp Việt Nam phát hành mà chiếu rạp CGV thì tỉ lệ ăn chia là 45/55 (rạp CGV nhận 55%, nhà phát hành nhận 45 %).
Tỉ lệ áp đặt này rõ ràng là bất hợp lý, nhưng do số lượng rạp của CGV quá lớn, các nhà phát hành trong nước không còn cách nào khác là phải chịu sự áp đặt của CGV và kéo theo đó là doanh thu thấp cho nhà sản xuất.
Không dừng lại ở đó, CGV bắt đầu tung ra những khoản đầu tư rất lớn để sản xuất phim. Hai bộ phim lập kỷ lục doanh thu gần đây nhất là “Để mai tính 2” và “Em là bà nội của anh” đều là sản phẩm do CGV đầu tư sản xuất và phát hành.
Điện ảnh không chỉ là một nền công nghiệp hái ra tiền mà còn có ý nghĩa văn hóa, giáo dục rất lớn. Các nhà sản xuất và phát hành phim tư nhân Việt Nam ít nhiều đều có tâm huyết phát triển nền điện ảnh nước nhà, hướng tới những bộ phim giàu ý nghĩa nhân văn, tôn vinh giá trị Việt. Điển hình như BHD chuyển thể tiểu thuyết nổi tiếng của Nguyễn Ngọc Tư thành phim “Cánh đồng bất tận”, Galaxy phối hợp với nhà nước làm phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” dựa trên truyện dài thiếu nhi được yêu thích của Nguyễn Nhật Ánh. Rạp Galaxy Nguyễn Du thường xuyên có những suất chiếu phim miễn phí cho trẻ em nghèo, vùng sâu vùng xa...
Những bộ phim đó, những suất chiếu đó không trước hết vì lợi nhuận mà để tôn vinh văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, CGV đang dần dần chiếm ưu thế tuyệt đối cả về rạp, phân phối và sản xuất phim ở thị trường Việt Nam. Không thể phủ nhận bề dày kinh nghiệm từ một cường quốc điện ảnh và nguồn vốn khổng lồ của CGV, nhưng mới đây, các hãng phim tư nhân Việt Nam như BHD, Galaxy ME, Sóng Vàng... đã đồng loạt làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng để khiếu kiện về hành vi được cho là cạnh tranh bất bình đẳng của CGV.
Có nhiều nét tương đồng trong câu chuyện của CGV với điện ảnh hay việc các ông chủ Thái Lan thâu tóm hàng loạt siêu thị tại Việt Nam. Đây có thể là xu hướng khó tránh khỏi trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng chưa từng có và các chủ thể trên mọi lĩnh vực đang đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn. Tuy nhiên rõ ràng so với các lĩnh vực khác, văn hóa, trong đó có phim ảnh, là lĩnh vực rất đặc biệt.
Văn hóa được được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà ngành sản xuất phim được cả Luật Đầu tư và Luật Điện ảnh xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Luật Điện ảnh đã chỉ rõ chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh. Theo đó, đầu tư xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại hoá công nghiệp điện ảnh, nâng cao chất lượng phim, phát triển quy mô sản xuất và phổ biến phim, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân... Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh nhằm phát huy sự sáng tạo nghệ thuật. Tài trợ cho việc sản xuất phim truyện về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số; phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình…
Còn Chiến lược quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/11/2013 cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh hiện đại, giầu bản sắc dân tộc, có hiệu quả kinh tế-xã hội cao, góp phần phát triển nền văn hóa và nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đến năm 2030 phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh có bản sắc và uy tín ở Châu Á, có những tác phẩm đạt giải thưởng quốc tế cao và tài năng điện ảnh tầm cỡ trong khu vực và thế giới. Chiến lược cũng đặt mục tiêu rất cụ thể về tăng số lượng phim do Việt Nam sản xuất, tăng tỷ lệ chiếu phim truyện Việt Nam tại rạp…
Trong hội nhập, cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi, nhưng đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Bên cạnh sự tạo điều kiện về cơ chế chính sách của nhà nước để các doanh nghiệp sản xuất, phát hành phim Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài, thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của chính mình.
Thu Hà