Trung tướng Lê Nam Phong |
Đã gần ở tuổi 90, Trung tướng Lê Nam Phong vẫn còn minh mẫn, tráng kiện so với người cùng thế hệ. Trong khuôn viên ngôi nhà của ông thuộc quận Thủ Đức (TPHCM), một ngày cuối tháng 3/2014, ông đã kể về những ngày tháng mà Đại đội 225 (thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308) của ông được vinh dự tham gia đánh trận then chốt ở Điện Biên Phủ. Cũng trong những trận đánh ác liệt ấy, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là "Đại đội trưởng đầu trọc".
Năm 1954, chưa đầy 30 tuổi, tôi là Đại đội trưởng bộ binh, Đại đội 225. Từ Thượng Lào về Điện Biên Phủ mới được 3 ngày, đơn vị tôi được lệnh chuẩn bị tác chiến.
Trận đánh đồi Độc Lập
Ngày mở màn chiến dịch Điên Biên Phủ (13/3/1954), các đơn vị của ta đã tiêu diệt căn cứ Him Lam. Mất căn cứ này, Pháp điều tiểu đoàn dù ngụy số 5 tăng viện cho Điện Biên Phủ. Chiến sự căng thẳng ngay từ những ngày đầu tiên.
Từ tối 14/3 đến sáng 15/3, Đại đội 225 tham gia đánh trận then chốt ở đồi Độc Lập, “cánh cửa sắt” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Lực lượng địch tại đây gồm có 1 tiểu đoàn Algeria và 1 đại đội lính ngụy Thái, được tăng cường 4 khẩu cối 120 ly, có đại pháo ở Mường Thanh-Hồng Cúm chi viện.
Bắt đầu từ 17 giờ, lựu pháo 105 ly của ta đã bắn vào Độc Lập. Địch ở Mường Thanh bắn trả. Đến nửa đêm, lựu pháo của ta buộc phải bắn kéo dài để chờ sơn pháo 75 ly và cối 120 ly đến chi viện.
Trời đổ mưa to, giao thông hào ngập nước, bùn lầy quánh lại, di chuyển rất khó khăn. Bộ đội phải kiên nhẫn chờ đợi trong trận địa ngập nước dưới làn pháo hạng nặng của địch trút xuống liên hồi.
Vào 3 giờ 30 phút, từ phía Đông, trọng pháo 105 ly của ta trút bão lửa xuống đồn địch, sau đó pháo chuyển làn vào trong.
Lúc đầu, Trung đoàn 88 xác định cửa mở chưa đúng hướng và dù đã sử dụng 100 quả bộc phá, dọn trên 100m rào dây thép gai nhưng bộ đội vẫn chưa lọt vào bên trong cứ điểm.
Sau đó, ta đã chỉnh lại cửa mở mới, rồi xung kích tiến sâu vào, đánh chiếm khu thông tin của địch. Các mũi lao thẳng vào bên trong cứ điểm bắt liên lạc với Trung đoàn 165, bao vây hầm cố thủ sở chỉ huy địch, xóa sổ tiểu đoàn Bắc Phi, diệt 483 lính, bắt 200 tù binh.
5 giờ 30 sáng ngày 15/3, quân Pháp cho 5 xe tăng dẫn 3 tiểu đoàn dù (khoảng 1.000 lính) từ khu trung tâm tiến ra phản kích. Khi quân Pháp tới sườn phía nam đồi Độc Lập thì trời sáng rõ. Chiến sĩ trong Đại đội 225 kiên cường đánh trả. Tuy vậy do ta không có vũ khí chuyên chống tăng mà chỉ có đạn AT và thủ pháo, nên xe tăng địch chỉ bị thương.
Quân địch chế áp mạnh bằng nhiều loại súng khiến nhiều chiến sĩ hy sinh. Nhưng do kiên cường bám giữ trận địa cho đến khi kết thúc trận phản kích, quân ta đã tiêu diệt, làm chủ hoàn toàn trung tâm đề kháng đồi Độc Lập.
Sau này, viên sĩ quan Pháp Lănggơle nhớ lại là vẫn không hiểu vì lý do gì mà các cứ điểm ngoại vi Him Lam và đồi Độc Lập, được bảo vệ bằng một dải phòng ngự rộng, tổ chức hỏa lực bắn chặn tốt, do các đơn vị thiện chiến giữ và được chỉ huy hoàn hảo, lại bị tiêu diệt trong vòng 6-12 giờ.
Sau trận đồi Độc Lập, tôi thấy bài học thực tế chiến đấu ngấm sâu vào tâm trí nhất là cách đánh thọc sâu, chia cắt vùng tung thâm rồi đánh vào sở chỉ huy địch. Đó cũng là những bài học cho bộ binh cấp phân đội sau ngày ứng dụng và phát huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trận đánh đồi Độc Lập để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Những hình ảnh sinh động ở chiến trường cam go đầy máu lửa mãi mãi còn lại trong tâm trí, giữa muôn ngàn tấm gương hy sinh dũng cảm của đồng đội, với ý chí kiên cường bất khuất, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng xông lên tiêu diệt quân thù.
Cạo trọc đầu để đánh thắng quân Pháp
Sau khi đánh xong đồi Độc Lập, Đại đội tôi nhận nhiệm vụ đánh tiếp những cứ điểm xung quanh sân bay Mường Thanh để quân Pháp không thể tiếp tế lương thực trực tiếp bằng tàu bay. Để có chỗ ẩn nấp, tôi đã cho quân đào chiến hào, công sự. Vì mưa to nên thung lũng Mường Thanh luôn bị ngập nước, quần áo không kịp khô anh em vẫn phải mặc.
Nhưng điều khó chịu nhất là đầu chúng tôi lúc nào cũng bị bùn đất bám vào tóc nên anh em hầu hết bị nấm đầu. Không còn cách nào khác tôi là người đầu tiên cạo trọc đầu và huy động cả Đại đội làm theo mình. Cũng từ đó mà cả đơn vị tôi có biệt danh "Đại đội trọc đầu".
Một lần, Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra, thấy bộc phá trôi trong chiến hào nên đã gọi tôi lên. Nhưng khi nhìn thấy tôi (đầu cạo trọc), Đại tướng hỏi ngay :Tại sao lại cạo trọc đầu?
Hồi đó, do còn trẻ tuổi nên suy nghĩ còn nông cạn, đầu nghĩ gì miệng nói thế nên tôi trả lời Đại tướng: "Thưa Đại tướng, cạo trọc đầu để thề đánh thắng thực dân Pháp xâm lược". Từ đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi tôi là "Đại đội trưởng đầu trọc".
Thu hẹp không gian tác chiến, tiến vào sâu, Đại đội tôi tiếp tục chiến đấu; quân số, súng đạn, trang bị liên tục được bổ sung mà vẫn thiếu. Ngay cả đợt tiến công vào sân bay Mường Thanh, đội quân xung kích chúng tôi cũng vấp phải sự chống trả quyết liệt của kẻ thù. Súng cối và pháo 105 ly của địch bắn tới tấp vào đúng trận địa của Đại đội rồi chúng phản kích để cướp lại trận địa. Chiến sĩ trong Đại đội đi trong làn đạn pháo của địch, cương quyết phản công lần thứ 2, giành thế chủ động, khôi phục lại trận địa.
Nhiều chiến sỹ mới tôi chưa kịp nhớ tên đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Cực khổ, thiếu thốn thì không sao tả xiết… và ngày cuối cùng trong chiến dịch Điên Biên Phủ, đơn vị của tôi chỉ còn cách hàng rào cứ điểm cuối cùng của địch chừng 300m…
Ngày 7/5/1954, niềm vui chiến thắng vỡ òa trong chúng tôi, những người còn lại.
Với Điện Biên Phủ, tôi luôn tự hào được tham gia chỉ huy đại đội bộ binh chiến đấu tại lòng chảo lửa máu này.
Về sau, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi ta chốt chặn trên đường 13, từ suối Tàu Ô-ngã ba Xóm Ruộng (nay thuộc huyện Chơn Thành, Bình Phước) suốt 150 ngày đêm của mùa hè 1972 cũng như trong tháng 4/1975, tôi chỉ huy Sư đoàn 7 đánh chiếm "cánh của thép Xuân Lộc". Tôi luôn ý thức được việc hợp đồng chặt chẽ hỏa lực pháo binh với bộ binh trong tác chiến vận động tiến công, kết hợp chốt và tiến công căn cứ. Có phối hợp tốt, ăn ý như vậy mới kiềm chế, tiêu diệt địch hiệu quả, giảm bớt máu xương chiến sĩ. Tác chiến hiệp đồng càng lớn, đòi hỏi người chỉ huy phải nắm chắc địch chọn thời cơ, sử dụng binh lực đúng./.