Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo 31/TB-VPCP ngày 8/2/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên.
Thông báo nêu: Tỉnh Điện Biên có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh của khu vực Tây Bắc, là địa phương có tiềm năng đa dạng về tài nguyên khoáng sản, là vùng đất đặc biệt về văn hóa và cách mạng, nơi diễn ra chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; quê hương của nhiều dân tộc anh em với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
Trong những năm qua, được sự quan tâm lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, cùng với sự năng động, sáng tạo, quyết tâm và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc, nhân dân tỉnh Điện Biên, kinh tế xã hội tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân GRDP trong 05 năm giai đoạn 2016-2020 đạt 5,7%. Trong năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 6,01% (gấp hơn hai lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 1.640,661 tỷ đồng tăng 25,84% so với năm 2020. Lĩnh vực xây dựng, công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, tăng 11,1% so với năm 2020. Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng nhanh đi cùng với bảo đảm cảnh quan, môi trường đô thị xanh, sạch sẽ, khang trang. Các dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm, đặc biệt Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên Phủ bằng hình thức PPP là dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn đầu tiên của cả nước được khởi công trong năm 2022.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên và những thành tựu quan trọng đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước trong năm 2021.
Bên cạnh những tiềm năng và kết quả đạt được, tỉnh còn những khó khăn, tồn tại như: địa hình khó khăn, dân cư phân bố rộng, rải rác vì vậy cần đầu tư lớn để xây dựng đồng bộ hạ tầng về giao thông, điện, nước sinh hoạt cho người dân, (hiện vẫn còn gần 10% người dân trên địa bàn tỉnh chưa được sử dụng điện); tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước, số hộ có nguy cơ tái nghèo còn lớn, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế, nhất là quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng; cải cách hành chính và môi trường kinh doanh cần được cải thiện.
Thực hiện hiệu quả 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia
Tại Thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Điện Biên cần quyết tâm cao hơn, từng bước vượt qua khó khăn, huy động mọi nguồn lực để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, thực hiện hiệu quả 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030, đảm bảo tất cả người dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện, nước sạch, có được việc làm, sinh kế ổn định.
Tập trung ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, coi đây là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn, khai thác được các tiềm năng của địa phương, nhất là phát triển du lịch. Trong đó, cần rà soát, cập nhật, bổ sung quy hoạch, ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông kết nối Cảng hàng không Điện Biên với các trung tâm kinh tế, văn hóa, lịch sử, các cửa khẩu và các địa phương trong vùng, đảm bảo đồng bộ, thuận lợi cho các doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế đến với Điện Biên Phủ.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo đồng bộ, có tầm nhìn xa, chiến lược.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh
Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp lớn có tiềm lực, uy tín đến đầu tư, đặc biệt là vào cơ sở hạ tầng dịch vụ, thương mại, phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch, truyền thống văn hóa lịch sử, từ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, tăng nguồn thu cho địa phương, tránh phụ thuộc nhiều vào ngân sách Trung ương.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người, truyền thống lịch sử vẻ vang của Điện Biên đến du khách trong và ngoài nước.
Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để các địa phương (trong đó có tỉnh Điện Biên) thực hiện.
Vũ Phương Nhi