Phiên thảo luận "Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững".
Ngày 09/07, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times tổ chức Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 với chủ đề "Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững".
Sau hơn ba thập kỷ công nghiệp hóa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế với ngành công nghiệp đóng góp khoảng 35% GDP và trở thành động lực chính tạo việc làm. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về môi trường và sử dụng tài nguyên.
Đáng chú ý, trong khi các lĩnh vực như năng lượng và giao thông xanh đã bắt đầu được đầu tư mạnh mẽ, thì công nghiệp xanh - vốn là trụ cột sản xuất quốc gia - vẫn chưa được đặt đúng vị trí trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và cam kết Net Zero đến năm 2050.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, xu thế chuyển đổi xanh – bền vững cũng đang có những thay đổi khó lường. Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng xanh hướng tới Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Để không bỏ lỡ cơ hội, Việt Nam cần mạnh mẽ tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng bền vững. Đầu tư vào công nghiệp xanh không chỉ là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng nhanh và giữ vững vị thế trong kỷ nguyên Net Zero.
Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 được tổ chức với bốn mục tiêu chính: Tái định nghĩa khái niệm tăng trưởng xanh trong công nghiệp, làm rõ cách thức áp dụng các nguyên tắc phát triển bền vững vào thực tiễn sản xuất công nghiệp của Việt Nam; Phân tích sâu sắc về xung đột và tiềm năng hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng cao và yêu cầu phát triển bền vững, từ đó tìm ra con đường cân bằng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam; Đề xuất các mô hình tăng trưởng bền vững cụ thể và khả thi cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam trong giai đoạn mới – Trong đó mô hình các Khu công nghiệp thế hệ mới đang nổi lên như một hạ tầng tuần hoàn lý tưởng nhất; Thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia và các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp xanh một cách thực chất và hiệu quả.
Diễn đàn khẳng định quan điểm rằng Việt Nam cần một chiến lược phát triển công nghiệp vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao, vừa tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững ngày càng khắt khe. Giải pháp không phải là đánh đổi mà là hài hòa - bằng cách áp dụng công nghệ xanh, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, đổi mới mô hình sản xuất và xây dựng hệ thống thu gom - tái chế chất thải công nghiệp hiệu quả.
Đặc biệt, Diễn đàn sẽ bàn thảo để định nghĩa lại về khái niệm "phát triển bền vững" theo một cách tiếp cận mới là chấp nhận sử dụng tài nguyên với mức độ tối ưu, hiệu quả và có trách nhiệm, gắn liền với cơ chế thị trường và tạo dư địa phát triển dài hạn.
Diễn đàn quy tụ hơn 20 diễn giả là đại diện từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), Phòng Thương mại công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV); các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu ngành như: AMATA, KN Group, Panasonic, CNCTech, Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty Thép Việt Nam, VietCycle, VERTZERO, JAPI Food...
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn
Trình bày báo cáo về tăng trưởng xanh, hướng tiếp cận không đánh đổi tại Diễn đàn "Công nghiệp xanh: Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao, phát triển bền vững", ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, chia sẻ" "Chúng ta đang sống trong một "kỷ nguyên vươn mình". Tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững chính là một cơ hội lớn trong kỷ nguyên đó. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần nhận thức rõ cơ hội này đang định hình như thế nào, cũng như các thách thức và rủi ro đi kèm".
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đã đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm phát thải. Điều này chứng minh rằng việc vừa tăng trưởng cao vừa giảm phát thải không phải là điều bất khả thi.
Vấn đề đặt ra là: Việt Nam có quyết tâm tham gia xu hướng này hay không? "Tôi cho rằng với việc Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thì về mặt chính sách, chúng ta đã thể hiện rõ mong muốn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mong muốn này, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ xanh, chuyển đổi mô hình kinh doanh và điều chỉnh mô hình tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, từ cấp doanh nghiệp đến tầm vĩ mô.", ông Hùng nêu quan điểm.
Để xây dựng khu công nghiệp sinh thái, theo ông Đỗ Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Khu công nghiệp Nhật Bản – Hải Phòng cần có nhiều tiêu chí trong đó có tuần hoàn, cộng sinh công nghiệp…Do đó, ông Hưng cho rằng các chính sách cần phải đồng bộ, hấp dẫn, khuyến khích các khu công nghiệp đăng ký tham gia xây dựng khu công nghiệp sinh thái.
Bà Nguyễn Phương Nga-Phó Tổng Gi ám đốc CNCTech Group, Phó Tổng Gi ám đốc Kinh doanh CNCTech Industrial cho biết, những đối tác của CNCTech Group hơn 70% là thị trường khó tính với yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn xanh do đó đây là yêu cầu bắt buộc, sống còn để CNCTech Group khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bà Phương Nga, chuyển đổi xanh là yếu tố tiên quyết để thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao từ châu Âu, châu Mĩ, đón "đại bàng về làm tổ". Do đó phải có một Khu công nghiệp xanh thông minh, một môi trường sinh thái toàn diện. Bài toán kinh tế đặt lên bàn cân là tăng trưởng xanh có tác động trực tiếp với bước đi của doanh nghiêp hay không. Từ kinh nghiệm của CNCTech Group, công ty đầu tư bài bản từ công nghệ, hạ tầng ngay từ đầu và có bước đi dài hạn, tầm nhìn lâu dài sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất về sau cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn của đối tác.
"Chúng tôi nhìn thấy, việc chuyển đổi xanh ko còn là trách nhiệm với môi trường mà là khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Nga nói.
TS Bùi Thanh Minh-Phó Giám đốc Chuyên môn Ban IV-Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển nền công nghiệp thông minh và bền vững đó là có chiến lược công nghiệp quốc gia nhất quán, phát triển năng lực doanh nghiệp nội địa, phát triển hệ sinh thái công nghiệp và chính sách công nghiệp trong thời kỳ số.
Diệp Anh