In bài viết

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Cộng hòa Séc

(MPI Portal) - Nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Cộng hòa Séc và tạo điều kiện cho Doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin và tìm kiếm đối tác, chiều 12/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Vận tải Cộng hòa Séc và Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Cộng hòa Séc”.

13/10/2011 10:45
Tham dự Diễn đàn có ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Martin Kocourek, Bộ trưởng Bộ Công thương Cộng hòa Séc, cùng các cơ quan, Bộ, ngành, đại diện các doanh nghiệp hai bên, các cơ quan truyền thông.
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá cao mối quan hệ hợp tác, thương mại và đầu tư giữa hai bên. Ông cho biết, trong những năm qua, quan hệ thương mại và đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng trưởng khá và còn nhiều tiềm năng phát triển.
Tổng kim ngạch thương mại năm 2009 đạt khoảng 156 triệu USD, năm 2010 đạt trên 205 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Cộng hòa Séc vào Việt Nam đạt trên 70 triệu USD chủ yếu là phương tiện vận tải, xây dựng và phụ tùng, may mặc và đồ da, hàng điện máy, còn Việt Nam xuất khẩu vào Cộng hòa Séc khoảng 135 triệu USD, chủ yếu là hàng nông hải sản, sản phẩm may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính.
Ông Khương hy vọng, với cơ chế kinh tế linh hoạt hiện nay, Việt Nam sẽ là một cầu nối để hàng hóa Cộng hòa Séc có thể vào thị trường các nước ASEAN và ngược lại Cộng hòa Séc cũng là đối tác quan trọng, là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào thị trường Liên minh châu Âu.
Ông Martin Kocourek, Bộ trưởng Bộ Công thương Cộng hòa Séc. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Theo ông Martin Kocourek, Bộ trưởng Bộ Công thương Cộng hòa Séc cho rằng Chính phủ và nhân dân Cộng hòa Séc luôn coi trọng mối quan hệ đối tác truyền thống với Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là một trong những bạn hàng giao thương lớn của Cộng hòa Séc, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước không từng tăng lên qua từng năm. Ông cho rằng, trong thời đại hiện nay cần tăng trưởng hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có sự thay đổi lớn, có sự phát triển nhanh chóng và ấn tượng. Tuy nhiên, theo ông Martin Kocourek cán cân thương mại hai bên hiện vẫn còn có sự chênh lệch đáng kể. Ông hy vọng Chính phủ hai nước sẽ có những biện pháp tích cực nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, cân bằng thương mại hai nước cũng như sự giao lưu hàng hóa.
Liên quan đến vấn đề này bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cho biết Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế hành chính để thu hút đầu tư từ nước ngoài. Việt Nam mong muốn được làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế và phát triển hơn nữa hoạt động giao thương giữa các quốc gia trong đó có Cộng hòa Séc. Những mở cửa về thể chế hành chính sẽ góp phần đẩy mạnh giao thương Việt Nam – Cộng hòa Séc trong thời gian tới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Cộng hòa Séc có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng giá trị là 56 triệu USD với các lĩnh vực chính như thủy tinh, bia, cao lanh, vật liệu xây dựng và các lĩnh vực có thế mạnh của Cộng hòa Séc. Còn Việt Nam đang có 4 dự án với tổng giá trị 5,3 triệu USD đầu tư tại Cộng hòa Séc tập trung vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực chế tạo máy giữa Công ty Cổ phần Chế tạo máy - Vinacomin và Công ty thiết kế INCO (Cộng hòa Séc). Việc ký kết này mở ra thời kỳ mới cho sự hợp tác của doanh nghiệp hai bên.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực chế tạo máy giữa Công ty Cổ phần Chế tạo máy Vinacomin và Công ty thiết kế INCO (Cộng hòa Séc). Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Ngoài ra, các doanh nghiệp Séc tham gia diễn đàn cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực thiết kế sản xuất hệ thống đường ống chịu lực, dẫn khí thải, ống nhựa PP và PVC; đầu tư dự án công nghệ, dây chuyền sản xuất; máy móc thiết bị phục vụ khai khoáng và chế biến quặng; máy công nghiệp chế tác kim loại; nhà máy thủy nhiệt điện – điện nguyên tử; xây dựng; điện dân dụng; dịch vụ tài chính ngân hàng; hệ thống quạt tản nhiệt; hàng thủ công mỹ nghệ, chất phụ gia trong công nghiệp thực phẩm, xử lý chất thải; thiết bị quân sự…/.