In bài viết

Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 8

(Chinhphu.vn) - Hôm nay (14/12), Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 8. Đây là một thiết chế chính thức về điều phối các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực pháp luật được tổ chức thường niên.

14/12/2011 18:10

Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 8 diễn ra sáng 14/12 do Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức - Ảnh: Chinhphu.vn

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên và Phó Giám đốc Quốc gia của UNDP Bakhodir Burkhanov chủ  trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn còn có Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba; lãnh đạo một số bộ, ngành.

Diễn đàn lần này được tổ chức nhằm chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và cải cách pháp luật, tiến trình sửa đổi Hiến pháp 1992.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khẳng định, muốn phát triển kinh tế, đạt mục tiêu công bằng xã hội thì một trong những công cụ và điều kiện tiên quyết là hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động tiến hành công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp. Thực tế đã cho thấy hệ thống pháp luật, công tác thực thi pháp luật ở Việt Nam đã có bước đổi mới và chuyển biến đáng kể về cả số lượng, chất lượng trong thời gian gần đây.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: Muốn phát triển kinh tế, đạt mục tiêu công bằng xã hội thì một trong những công cụ và điều kiện tiên quyết là hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp - Ảnh: Chinhphu.vn

Các đại biểu đã nghe một số tham luận và tiến hành thảo luận xoay quanh các chủ đề: Một số định hướng lớn về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong thời gian tới; kết quả thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng tới năm 2020; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); khái quát chung về tình hình tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; giới thiệu thực tiễn áp dụng các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về việc xây dựng hiến pháp đảm bảo tính minh bạch và sự tham gia của công chúng. 

Cũng tại Diễn  đàn này, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên chia sẻ những thông tin về tiến trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 với bạn bè quốc tế. Về  tiến độ thực hiện tổng kết thi hành và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn tổng kết thi hành Hiến pháp hiện đã được bắt đầu và sẽ hoàn thành vào quý I/2012, làm cơ sở cho việc đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Giai đoạn nghiên cứu, đề xuất và xây dựng các phương án sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp, tổ chức thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vào các nội dung sửa đổi, bổ sung được tập trung thực hiện trong năm 2012 và đầu năm 2013; hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, thông qua vào quý IV/2013.

Đại diện một số Cơ quan đại diện ngoại giao của một số nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật hoan nghênh việc công khai thông tin về tiến độ sửa đổi Hiến pháp lần này của Việt Nam.

Lê Sơn