In bài viết

Điện gió, điện mặt trời - giải pháp phát triển bền vững nguồn năng lượng

(Chinhphu.vn) - Từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) mà Việt Nam có tiềm năng lớn, đặc biệt là các nguồn điện gió, điện mặt trời… được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững.

26/08/2019 10:20


Việt Nam cần phát triển NLTT để bảo đảm an ninh cung cấp năng lượng

Cung ứng năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động, và các tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh, an toàn trong cung ứng năng lượng… Do vậy, từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) mà Việt Nam có tiềm năng lớn, đặc biệt là các nguồn điện gió, điện mặt trời… được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững.

Việt Nam cần phát triển NLTT để bảo đảm an ninh cung cấp năng lượng, cải thiện sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo việc làm và phát triển công nghệ. Việt Nam sẽ cần các chính sách phối hợp, bền vững ở cấp quốc gia và vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường NLTT; thúc đẩy và triển khai công nghệ mới và cung cấp các cơ hội thích hợp khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng trên thị trường năng lượng. 

Nhận diện rào cản

Năng lượng tái tạo (trừ thuỷ điện) chỉ chiếm một phần nhỏ của tổng số năng lượng cung cấp trên toàn thế giới và cả ở Việt Nam, nhưng các dự án sản xuất điện từ NLTT ở Việt Nam đã tăng nhanh từ năm 2000 đến 2019, với giá mua điện hiện nay từ các dự án NLTT được đánh giá là hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ giá mua điện mặt trời và giá mua điện gió mới được điều chỉnh.

Không tính thủy điện nhỏ, NLTT (gió, mặt trời, sinh khối) cho đến nửa đầu năm 2020 có công suất đặt hơn 7100 MW. Ngoài ra còn có thủy điện nhỏ có khoảng gần 8500MW (tuy nhiên theo đánh giá thì khoảng 1/3 các nhà máy thủy điện nhỏ là không hoạt động). Tổng cộng NLTT bao gồm cả thủy điện nhỏ chiếm khoảng 26% tổng công suất lắp đặt toàn quốc (12% nếu không bao gồm thủy điện nhỏ).

Rào cản chính cho phát triển NLTT là chi phí sản xuất. Nhiều công nghệ mới NLTT – gồm gió, mặt trời và nhiên liệu sinh học đã và sẽ sớm có tính cạnh tranh kinh tế với các nhiên liệu hóa thạch và có thể đáp ứng một phần lớn nhu cầu điện của Việt Nam. 

Các công nghệ chín muồi nhất có chi phí tương đối cạnh tranh là thủy điện, gió, sinh khối và địa nhiệt. Mặc dù pin mặt trời có chi phí còn cao nhưng chi phí này giảm đều đặn do tiến bộ trong chế tạo công nghệ.

Tại Việt Nam, qua các nghiên cứu trong dự án Tổng sơ đồ phát triển NLTT của Viện Năng Lượng, chi phí quy dẫn cho sản xuất điện từ NLTT cho giai đoạn hiện nay như sau:

Giá thành sản xuất điện

Thuỷ điện nhỏ

Gió trên bờ

Trấu

Bã mía

Khí từ rác thải

Đốt rác thải

Pin mặt trời

Địa nhiệt

VNĐ/kWh

300 -1000

1200 -1800

900 -1600

700 -1200

700 -800

1600 -1800

1200 -1600

1200 -1800

Ngoài yếu tố giá thành sản xuất cao, vẫn một số các rào cản cho sự phát triển NLTT như, thiếu các chính sách đồng bộ và tổ chức hỗ trợ cho phát triển NLTT; thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ công tác qui hoạch và hoạch định chính sách; công nghệ và dịch vụ phụ trợ cho NLTT chưa phát triển; khó tiếp cận nguồn vốn để phát triển các dự án NLTT

Cần sự linh hoạt trong cơ chế hỗ trợ

Như nêu trên, đặc thù của NLTT là sự phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên (nước, nắng, gió, vị trí…), công nghệ còn chưa chín muồi, và giá thành sản xuất, sử dụng cao hơn so với dạng năng lượng truyền thống. Do đó để thúc đẩy phát triển NLTT, cần có các công cụ chính sách hỗ trợ như cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu và cơ chế cấp chứng chỉ.

Về cơ chế hạn ngạch (định mức chỉ tiêu), Chính phủ quy định bắt buộc các đơn vị sản xuất (hoặc tiêu thụ) phải bảo đảm một phần lượng điện sản xuất/tiêu thụ từ nguồn NLTT, nếu không sẽ phải chịu phạt theo định mức đặt ra theo tỷ lệ.

Cơ chế này có ưu điểm là sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh giữa các công nghệ NLTT nhờ đó làm giảm giá thành sản xuất NLTT. Cơ chế này giúp Chính phủ chỉ quy định hạn ngạch nhằm đạt mục tiêu định ra cho NLTT, còn giá thành sẽ do thị trường cạnh tranh tự quyết định. Giá phạt được tính toán và đưa ra như giới hạn trần cho tổng chi phí ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Nhược điểm của cơ chế này là đơn vị sản xuất sẽ phải chịu những rủi ro và chi phí lớn ngoài khả năng kiểm soát. Hơn nữa, cơ chế này sẽ ưu tiên phát triển các công nghệ chi phí thấp nhất, do đó sẽ không thúc đẩy phát triển các dạng công nghệ kém cạnh tranh hơn.

Về cơ chế giá cố định (feed-in tariff), Chính phủ định mức giá cho mỗi kWh sản xuất ra từ NLTT, định mức giá có thể khác nhau cho từng công nghệ NLTT khác nhau. Thông thường là định mức giá này cao hơn giá điện sản xuất từ các dạng NL hoá thạch do đó sẽ khuyến khích và bảo đảm lợi ích kinh tế cho NLTT. Chính phủ tài trợ cho cơ chế giá cố định từ nguồn vốn Nhà nước hoặc buộc các đơn vị sản xuất, truyền tải phải mua hết điện từ nguồn NLTT.

Cơ chế này giảm thiểu những rủi ro cho các nhà đầu tư vào NLTT. Với giá cố định đặt ra khác nhau cho các dạng NLTT, Chính phủ có thể khuyến khích vào các công nghệ NLTT cần phát triển với các mục tiêu khác nhau.

Tuy nhiên, cơ chế này có hạn chế là với giá cố định cho một thời gian dài, khó kiểm soát được lợi nhuận của các nhà đầu tư do tiến bộ khoa học kỹ thuật. Giảm dần giá cố định có thể được áp dụng, tuy nhiên cần phải được công bố rõ ràng để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Áp dụng cơ chế này, Chính phủ không thể biết trước sẽ có bao nhiêu công suất NLTT được đầu tư, do đó không biết trước được tổng chi phí cho cơ chế này trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Một hạn chế nữa là tăng chi phí cho việc điều độ và nảy sinh các vấn đề kỹ thuật cho hệ thống điện, do các nhà quản lý lưới buộc phải tiếp nhận nguồn điện NLTT.

Về cơ chế đấu thầu (contract bidding), Chính phủ sẽ đề ra các tiêu chí đấu thầu cạnh tranh, có thể riêng cho từng loại công nghệ NLTT. Danh sách các dự án NLTT sẽ được lựa chọn từ thấp đến cao cho đến khi thoả mãn mục tiêu phát triển đặt ra cho từng loại NLTT và được công bố. Sau đó Chính phủ, hoặc cơ quan quản lý được ủy quyền sẽ buộc các đơn vị sản xuất điện bao tiêu sản lượng từ các dự án trúng thầu này có hỗ trợ bù giá.

Ưu thế của cơ chế này là sự cạnh tranh làm giảm chi phí bù giá tối thiểu. Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát số lượng dự án được lựa chọn, có nghĩa là kiểm soát được chi phí bù lỗ. Ngoài ra, việc cố định giá cho các dự án trúng thầu cung là một bảo đảm cho nhà đầu tư lâu dài.

Cơ chế này có thể bộc lộ một số yếu điểm là khi trúng thầu, nhà đầu tư có thể sẽ trì hoãn việc triển khai dự án do nhiều lý do: Chờ đợi thời cơ để giảm giá thành đầu tư, chấp nhận đấu thầu lỗ chỉ nhằm mục đích găm dự án không cho đơn vị khác cạnh tranh và sẽ không triển khai các dự án lỗ... Chính phủ có thể đưa ra các chế tài phạt để hạn chế các yếu điểm này.

Về Cơ chế cấp chứng chỉ (tax credit), cơ chế này, có thể là chứng chỉ sản xuất, hoặc chứng chỉ đầu tư, hoạt động theo nguyên tắc cho phép các đơn vị đầu tư vào NLTT được miễn chịu thuế sản xuất cho mỗi kWh, hoặc khấu trừ vào các dự án đầu tư khác.

Cơ chế này có ưu điểm là bảo đảm sự ổn định cao, đặc biệt khi cơ chế này được dùng kết hợp với các cơ chế khác để tăng hiệu quả. Tuy nhiên, sự ổn định này phải được ghi rõ trên văn bản pháp luật về thời hạn cấp chứng chỉ. Hạn chế nữa là cơ chế này thiên về ủng hộ các đơn vị lớn, có tiềm năng và nhiều dự án đầu tư để dễ dàng khấu trừ thuế vào đó.

Hiện tại ở Việt Nam đã có các cơ chế hỗ trợ phát triển cho các dạng công nghệ NLTT khác nhau. Trong một số dự án nghiên cứu do Viện Năng lượng tiến hành nghiên cứu, ngoài cơ chế giá cố định đang được áp dụng hiện nay cho điện gió, điện mặt trời, điện rác thải,  một  các cơ chế khác như cơ chế đấu thầu hoặc cơ chế hạn ngạch (chỉ tiêu định mức) đã và đang được nghiên cứu đề xuất, cùng với việc nghiên cứu thành lập quỹ phát triển NLTT dưới sự điều hành của một cơ quan độc lập cũng được xem xét.

Ngoài ra, để hỗ trợ các dự án NLTT nhỏ và độc lập (không nối lưới), cũng có một số nghiên cứu đề xuất như cơ chế cấp tín dụng trực tiếp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, qua phân tích nêu trên, việc áp dụng bất cứ cơ chế nào cũng nên được áp dụng bổ sung các chế tài hoặc các cơ chế hỗ trợ khác để phát huy hiệu quả tối đa sự hỗ trợ phát triển NLTT.

Tầm nhìn tương lai

Theo các chuyên gia từ Viện Năng lượng, NLTT có tiềm năng lớn, tuy nhiên muốn khai thác cần phải có sự hỗ trợ.

Theo dự kiến kịnh bản sơ bộ cho phát triển NLTT, Việt Nam có thể khai thác đến 50.000 MW công suất với sản lượng hơn 10 tỷ kWh từ NLTT vào năm 2030 và lên đến 70.000-80.000 MW vào năm 2035, nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý – đây là một đóng góp rất lớn cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện và bảo đảm an ninh năng lượng. Và quan trọng hơn hết sự phát triển này sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm yếu tố phát triển bền vững.

Theo nghiên cứu và đánh giá sơ bộ về tiềm năng phát triển NLTT dài hạn tới 2050, khả năng phát triển NLTT còn có thể lớn hơn nữa, đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi, địa nhiệt và nhiên liệu sinh khối, do tiến bộ khoa học kỹ thuật làm giảm giá thành, và khả năng khai thác chưa đánh giá hết.

TS. Nguyễn Anh Tuấn

Giám đốc TT Năng lượng tái tạo – Viện Năng lượng