Đưa điện về cho người dân Khmer Sóc Trăng - Ảnh VGP/Minh Huệ |
EVN đã bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn tại hơn 7.310 xã (chiếm 81,32% số xã có điện), hơn 12,56 triệu hộ dân nông thôn mua điện trực tiếp từ điện lực (chiếm 80,18% số hộ dân nông thôn) sử dụng điện cùng một giá như người dân đô thị. Điện đã thực sự góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới (WB), quá trình điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam đã đóng góp khoảng 30 đến 40% vào việc phát triển kinh tế cho khu vực này.
Hàng loạt dự án cấp điện cho các thôn, buôn ở Tây Nguyên, đồng bào Khmer ở Trà Vinh và Sóc Trăng với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Nhờ có điện, cuộc sống của đồng bào dân tộc ở các xã Ia Ka, (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), xã Ðác Năng (TP Kon Tum), Ðác Kan (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum)... đã thay đổi rõ rệt: đào giếng và sắm máy bơm tưới vườn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư cây cao-su, cà-phê năng suất cao, đầu tư cơ sở chế biến nông sản, cải thiện rõ rệt thu nhập, xóa đói, giảm nghèo; sắm các thiết bị điện, trang bị ti-vi, đài... tiếp thu các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, kiến thức trong sản xuất, góp phần nâng cao dân trí.
Cũng nhờ được sử dụng điện lưới, nông dân ở các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang đã áp dụng ngay vào sản xuất, như dùng đèn điện để "kích" thanh long ra trái vụ, tạo thu nhập lớn.
Trong gần ba năm qua, ngành điện đã hoàn thành chỉ tiêu đối với 11/11 xã thí điểm chương trình NTM (theo chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Ðảng) .
Lưới điện nông thôn (ÐNT) tại 11 xã thí điểm phần lớn được xây dựng từ 20 đến 30 năm trước và do các tổ chức quản lý điện nông thôn tại các địa phương thành lập để quản lý kinh doanh bán điện đến hộ dân nông thôn. Do việc xây dựng tự phát, chắp vá, nguồn vốn hạn hẹp cho nên hầu hết không theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn.
Đưa điện về thôn buôn của Đăk Lăk - Ảnh VGP/Minh Huệ |
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện tại 11 xã này đã được ngành điện đầu tư nâng cấp, cải tạo theo các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm đạt yêu cầu của tiêu chí.
Ðối với vùng trung du và miền núi phía bắc, chỉ tiêu đặt ra phải đạt 95% tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đã được bảo đảm, có xã như Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên) và Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) đã đạt 100%. Các vùng khác là đồng bằng sông Hồng, Ðông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long hầu hết đạt từ 98 đến 100%.
Ông Lê Văn Chuyển, Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc hoàn thành tiêu chí điện nông thôn vẫn là vốn. Do vậy, cần có cơ chế, hướng dẫn huy động vốn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm". Ðặc biệt, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi trong nước giao cho EVN thực hiện nâng cấp cải tạo lưới điện, nhằm bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất của các xã xây dựng NTM.
Việc đầu tư cho một xã đồng bằng đạt tiêu chí nông thôn mới về điện, Nhà nước phải đầu tư trung bình khoảng 10 tỷ đồng. Ðối với địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, con số này còn cao hơn nhiều. Thậm chí, cá biệt có địa bàn vùng xa, dân cư sống không tập trung, theo tính toán của đơn vị tư vấn, nếu đầu tư lưới điện hoàn chỉnh thì suất đầu tư cho một hộ có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Hơn nữa, những hộ ở khu vực này chủ yếu là hộ nghèo, khó khăn, lượng điện năng sử dụng trung bình thấp (chưa đến 30kW giờ/tháng theo khảo sát của WB), điều kiện địa hình phức tạp, đường điện kéo dài, tổn thất điện năng lớn, suất đầu tư cho một hộ từ lưới điện quốc gia quá lớn so mức bình quân chung (15 đến 20 triệu đồng/hộ), hiệu quả không cao.
Do đó, ngành điện cần sự phối hợp của ban chỉ đạo các địa phương trong việc quy hoạch khu vực dân cư, hoặc nghiên cứu đầu tư để các hộ dân tại những "vùng lõm" sử dụng các dạng năng lượng mới và năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ (dưới 10MW), máy phát điện cá nhân, điện mặt trời, điện gió... để giải quyết nguồn điện tại chỗ.
Minh Huệ