Dự án điện mặt trời Sông Luỹ 1 là một trong những dự án |
Hiện nay, theo thống kê, các dự án điện mặt trời hiện tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, trong đó, Bình Thuận hiện là một trong những địa phương đi đầu, khuyến khích đẩy mạnh phát triển điện mặt trời với nhiều dự án đang triển khai trên địa bàn.
Đầu tuần qua, tại Bình Thuận, dự án nhà máy điện mặt trời Sông Lũy 1 đã chính thức vận hành thương mại (COD). Đây là một trong những dự án vận hành thương mại sớm nhất tỉnh Bình Thuận với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, lắp đặt 127.960 tấm pin (công suất mỗi tấm pin là 365Wp, sử dụng công nghệ tiên tiến Mono PERK giúp đạt hiệu suất cao nhất là 21,5%), dự kiến sản xuất khoảng 80 triệu kWh/năm.
Ông Dương Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công Thương Bình Thuận) cho biết: “Qua theo dõi, kiểm tra thực tế, khả năng Bình Thuận có 20 dự án hoàn thành, đóng điện trước ngày 30/6/2019, tổng công suất 873,48 MW (tương đương 1.100 MWp). Tổng vốn đầu tư dự kiến 23.968 tỷ đồng, diện tích 1.341,3 ha.
Để hỗ trợ các dự án điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) đã và đang gấp rút tiến hành nghiệm thu và kiểm tra điều kiện để đóng điện, hòa lưới các dự án điện mặt trời, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời kịp hòa lưới vào vận hành chính thức trước 30/6/2019.
Phát triển hệ thống điện mặt trời trên mái nhà
Trong chiến lược ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) cũng đang được EVN SPC triển khai lắp đặt tại tất cả mái nhà văn phòng các công ty điện lực, trạm biến áp phân phối do EVN SPC quản lý. Dự kiến, khoảng 400 vị trí với công suất khoảng 13 MWp.
Hiện nay, theo thống kê, trên địa bàn có hơn 1.435 khách hàng hưởng ứng lắp đặt ĐMTMN đã được lắp công tơ 2 chiều, tổng công suất tấm pin là 22.504 kWp, với sản lượng ngoài phần khách hàng sử dụng còn được phát bán lên lưới bán cho ngành điện là 2.878.355 kWh với giá 2.134 đồng/kWh tính cho năm 2019.
Để nguồn điện này đạt khoảng 95.650 kWp trong năm 2019, EVN SPC đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: Triển khai phổ biến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông khuyến khích sử dụng ĐMTMN; sẵn sàng tư vấn, quy trình đăng ký, tiếp nhận hồ sơ lắp đặt, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán ĐMTMN. Lắp đặt miễn phí công tơ đo đếm 2 chiều đo đếm điện năng; ký hợp đồng mua bán điện ĐMTMN dư từ doanh nghiệp và người dân
Tuy nhiên, theo lãnh đạo EVN SPC, hiện việc triển khai ĐMTMN còn gặp một số khó khăn: Do cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành bộ tiêu chuẩn của các thiết bị chính cũng như công bố các thiết bị, nhà cung cấp đạt chất lượng liên quan đến lắp đặt hệ thống ĐMTMN nên các nhà đầu tư (hộ gia đình, DN) gặp khó khăn trong việc lựa chọn thiết bị phù hợp để đầu tư.
Bên cạnh đó, thiếu các tổ chức kiểm định độc lập để xác nhận và công bố chất lượng thiết bị trước khi đấu nối lên lưới điện theo Thông tư 39/2015/TT-BCT về quy định hệ thống điện phân phối.
Minh Đức