Công trình bắt đầu được khởi công vào tháng 7/2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật và đặt biệt là đại dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm và tinh thần vượt khó nỗ lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật Trung tâm cùng với sự hỗ trợ từ các Ban chức năng của Tổng công ty và sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo Tổng Công ty đã tạo điều kiện cho Trung tâm hoàn thành công trình này đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Công trình Trung tâm Điều khiển 2 đã hoàn thành và đưa vào vận hành thử an toàn tin cậy từ tháng 2/2022 đến nay.
Tổng mức đầu tư của dự án là 73 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư cơ bản và khoa học công nghệ của Tổng công ty Điện lực TPHCM. Riêng hạng mục trang bị phần mềm lõi và cài đặt Trung tâm Điều khiển đã tiết kiệm cho Tổng Công ty trên 22 tỷ đồng ( so sánh với giá chào của Hãng General Electric – Mỹ ).
Trung tâm đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm điều khiển 2 theo hướng tự thực hiện. Các công tác từ thiết kế, lập phương án, triển khai cài đặt cấu hình đều do đội ngũ cán bộ kỹ sư Trung tâm phối hợp với các cán bộ Tổng Công ty, Công ty Công nghệ Thông tin, Công ty Lưới điện Cao thế triển khai thực hiện.
Các phần mềm thiết bị chính của Trung tâm Điều khiển 2 như phần mềm lõi, phần mềm DAS, các thiết bị máy tính, các thiết bị mở rộng cổng tại các trạm, hệ thống thông tin liên lạc được Trung tâm thực hiện mua sắm thông qua đấu thầu rộng rãi qua mạng.
Trung tâm Điều khiển 2 gồm có một phòng trực chính đủ chỗ cho 5 điều độ viên cùng làm việc, một phòng trực viễn thông dùng riêng, một phòng cho bộ phận kỹ thuật - phương thức , một phòng cho lãnh đạo Trung tâm, 1 phòng họp vận hành lưới điện và một phòng nghỉ ca cho các Điều độ viên. Bình thường sẽ có 2 điều độ viên trực tại Trung tâm Điều khiển 2 cùng làm việc với 3 điều độ viên tại Trung tâm Điều khiển 1 trên cơ sở phân vùng lưới điện và hỗ trợ lẫn nhau.
Các hạng mục kỹ thuật của Trung tâm Điều khiển 2 gồm có trang bị phần mềm lõi SCADA là phần mềm thu thập, giám sát và điều khiển; trang bị hệ thống máy tính chủ cho Trung tâm Điều khiển; nâng cấp phần mềm DAS là phần mềm điều khiển tự động lưới điện phân phối, tự động chuyển tải và cô lập điểm sự cố trên lưới điện; bổ sung cổng RTU/Gateway cho hệ thống SCADA tại các trạm trung gian; trang bị và mở rộng cổng SCADA cho các RTU tại các trạm ngắt 22kV; trang bị hệ thống thông tin liên lạc phục vụ vận hành TTĐK 2; cải tạo và trang bị nội thất cho TTĐK 2...
Theo đại diện của Trung tâm điiều khiển 2, việc chỉ huy vận hành xử lý sự cố đã được thông qua một hệ thống máy tính chủ hiện đại, điều khiển và giám sát từ xa, các trạm điện cung cấp điện cho cả một quận rộng lớn đến nay không cần phải có người trực, các công nhân không cần phải xuống hiện trường để chuyển tải và cô lập điểm sự cố mà mọi việc đều có thể thực hiện tại trung tâm điều khiển.
Bên cạnh đó. việc tái lập cung cấp điện cho phần lớn các khách hàng bị ảnh hưởng sự cố chỉ còn trong một vài phút và có thể được thực hiện hoàn toàn tự động không cần sự can thiệp của các điều độ viên.
Tuy nhiên, với địa bàn như TPHCM thì việc tập trung chỉ huy vận hành một lưới điện rộng lớn, quan trọng như thành phố chỉ dựa vào 1 trung tâm điều khiển sẽ đặt ra nhiều rủi ro cho quá trình cấp điện an toàn và ổn định. Bởi vì nếu như trong trường hợp Trung tâm điều khiển 1 bị trục trặc kỹ thuật thì rất khó để tiếp tục chỉ huy giám sát vận hành lưới điện hiệu quả và chất lượng, đảm bảo cho TPHCM được cấp điện an toàn liên tục một cách tốt nhất.
Do đó, với việc vận hành song song 2 Trung tâm điều khiển độc lập về mặt địa lý và độc lập về phần mềm điều khiển thì dù khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra (một Trung tâm điều khiển không thể hoạt động) thì Trung tâm còn lại ngay lập tức nhận chỉ huy vận hành toàn bộ lưới điện TPHCM mà chất lượng vận hành lưới điện hoàn toàn không thay đổi.
Ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, việc mạnh dạn tự thực hiện công trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc làm chủ công nghệ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại Trung tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa lưới điện cũng như chuyển đổi số tại Trung tâm nói riêng và Tổng công ty nói chung.
Đặc biệt, công trình Trung tâm điều khiển 2 đưa vào vận hành sẽ đáp ứng tiến độ đề ra với các tiêu chí kỹ thuật theo phương án đã được Tổng Công ty phê duyệt, đáp ứng độ tin cậy rất cao về mặt giám sát, điều khiển vận hành của lưới điện TPHCM. Đồng thời, chứng minh khả năng tự làm chủ công nghệ của ngành điện TPHCM để đóng góp tích cực vào lộ trình hiện đại hóa lưới điện, lộ trình số hóa tại Tổng công ty Điện lực TPHCM cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Thành phố.
Lê Nguyễn