In bài viết

Diện tích đất 10m2 có được chuyển nhượng không?

(Chinhphu.vn) - Ông Trịnh Hoài Nam (Hà Nội) đang có dự định mua một căn nhà 3 tầng xây trên mảnh đất khoảng 10m 2 , tuy nhiên ông băn khoăn vì không rõ việc mua bán có được làm thủ tục chuyển nhượng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không và nếu mua cần yêu cầu bên bán cung cấp những giấy tờ gì để tránh rủi ro?

19/12/2013 09:20

Ảnh minh hoạ

Về trường hợp ông Nam, luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội có ý kiến như sau:

Tại Điều 3 Quyết định số 19/2012/QĐ-UB ngày 8/8/2012 của UBND thành phố Hà Nội đã quy định về kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa và việc xử lý đối với thửa đất ở có kích thước, diện tích nhỏ hơn mức tối thiểu.

Theo đó, các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:

- Có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng (đường giới hạn cho phép xây dựng công trình trên thửa đất) từ 3 mét trở lên;

- Có diện tích không nhỏ hơn 30 m2.

Trường hợp không cho phép tách thửa

Theo quy định, không cho phép tách thửa đối với các trường hợp:

- Thửa đất nằm trong các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Đất gắn liền với nhà đang thuê theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ.

- Các thửa đất thuộc khu vực đã có thông báo thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Các thửa đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.

- Các thửa đất ở giao cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy định tại Quyết định 19/2012/QĐ-UB nêu trên.

Theo đó, người sử dụng đất sẽ không được cấp Giấy chứng nhận, không được làm thủ tục thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất hoặc thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với trường hợp tự tách thửa đất thành hai hoặc nhiều thửa đất trong đó có một hoặc nhiều thửa đất không đảm bảo các điều kiện nêu trên.

Cơ quan công chứng, UBND cấp xã không được làm thủ tục công chứng, chứng thực việc chuyển quyền sử dụng đất đối với trường hợp tách thửa đất thành hai hoặc nhiều thửa đất trong đó có một hoặc nhiều thửa đất không đảm bảo các điều kiện nêu trên.

Tuy nhiên, tại khoản 4, khoản 6 Điều 3 và khoản 5 Điều 4 Quyết định có quy định không cho phép tách thửa nêu trên không áp dụng cho các trường hợp sau:

- Tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất

- Đất hiến tặng cho Nhà nước, đất tặng cho hộ gia đình, cá nhân để xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết

- Thửa đất đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở tái định cư, làm nhà ở nông thôn tại điểm dân cư nông thôn trước ngày 10/4/2009 (ngày Quyết định số 58/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố có hiệu lực thi hành).

Thửa đất được hình thành từ việc tách thửa do chuyển quyền sử dụng đất đã được công chứng, chứng thực hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép tách thửa trước ngày 10/4/2009 thì được thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.

Đối với thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày 10/4/2009 có diện tích, kích thước nhỏ hơn mức tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này (chiều rộng mặt tiền, chiều sâu nhỏ hơn 3 m2, diện tích nhỏ hơn 30 m2), nhưng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận; việc xây dựng nhà ở, công trình trên thửa đất đó phải theo quy định của UBND thành phố Hà Nội.

Trường hợp ông Trịnh Hoài Nam đang có dự định mua một căn nhà đã xây dựng trên mảnh đất khoảng 10m2 tại thành phố Hà Nội, nhằm tránh rủi ro pháp lý, ông Nam cần yêu cầu bên bán xuất trình bản gốc các giấy tờ về đất, giấy phép xây dựng và đối chiếu với quy định tại Điều 3 Quyết định 19/2012/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội nêu trên, để tự đưa ra quyết định của mình có nên, hay không nên mua ngôi nhà đó.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.