In bài viết

Diện tích trồng bông vải sẽ tăng đến 76.000 ha vào năm 2020

(Chinhphu.vn) - Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, các công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu tại các vùng được quy hoạch trồng bông vải có tưới tập trung. Phấn đấu đến năm 2015, diện tích bông cả nước là 30.000 ha, sản lượng bông xơ đạt 20.000 tấn và tăng lên 76.000 ha diện tích và sản lượng 60.000 tấn vào năm 2020.

11/01/2010 17:07

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 29/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với mục tiêu phát triển cây bông vải nhằm đẩy mạnh cung cấp nguyên liệu bông xơ sản xuất trong nước cho ngành Dệt May, từng bước đáp ứng nhu cầu bông, giảm nhập siêu, tạo điều kiện để ngành Dệt May Việt Nam tăng trưởng và phát triển ổn định.

Với quan điểm này, cây bông vải sẽ được phát triển theo hướng tăng cường đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo hiệu quả kinh tế nâng cao sức cạnh tranh của cây bông và bảo vệ môi trường sinh thái; chú trọng xây dựng và mở rộng diện tích vùng chuyên canh bông có tưới; xây dựng các trang trại trồng bông có hiệu quả kinh tế cao ở những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp với phát triển của cây bông vải.

Phấn đấu đến năm 2020, năng suất bông bình quân đạt 2 tấn/ha

Bài toán về năng suất cây bông

Theo thống kê, trong khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích trồng bông tại Việt Nam đã giảm nghiêm trọng. Ở thời điểm năm 2001-2002, diện tích trồng bông trên cả nước trên 32.600 ha. Nhưng đến niên vụ 2008-2009, chỉ còn dưới 3.000 ha. Sản lượng bông vải trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 2% nhu cầu bông xơ cho ngành sợi. Ngành dệt sợi của Việt Nam xem như mất trắng nguồn cung nguyên liệu từ trong nước và phải nhập khẩu gần 100% bông xơ từ nước ngoài.

Nguyên nhân chính khiến diện tích bông vải giảm mạnh là do năng suất quá thấp (chỉ chừng 21 tạ/ha) và giá thu mua không cao (9.000 đồng/kg), khiến nông dân không “mặn mà” với cây bông vải bằng một số loại cây công nghiệp ngắn ngày khác.

Các chuyên gia nông nghiệp ở Đắk Lắk cho rằng: Ngành bông muốn thoát được "cơn bĩ cực", phải giải quyết được vấn đề mấu chốt là năng suất. Do cây bông tại Việt Nam chủ yếu được trồng ở những vùng đất tận dụng nguồn nước mưa nên năng suất thấp. Theo kỹ thuật trồng trên vùng đất có nước tưới và chăm sóc tốt, sản lượng bông hạt sẽ đạt khoảng 3-4 tấn/ha. Thế nhưng, dù không bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán mà nâng suất trung bình tại Việt Nam chỉ đạt 1-1,2 tấn bông hạt/ha. Với sản lượng này, khi chế biến ra chỉ được khoảng 400kg bông xơ/ha. 

Song song với đó là việc nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc giống, xây dựng được một quy trình sản xuất tiên tiến, khoa học, để từ đó đưa năng suất bông lên bằng với năng suất của thế giới, từng bước tăng lợi nhuận cho người trồng bông để người nông dân thêm "mặn mà" với nghề này thay vì vẫn thường lựa chọn trồng loại cây khác như hiện nay.

Vậy lời giải nào cho bài toán mục tiêu đến năm 2015, diện tích cây bông vải đạt 30.000 ha và còn tiếp tục tăng lên hơn 2,5 lần (76.000 ha) vào năm 2020 theo Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?...

Khôi phục diện tích trồng bông, trọng tâm ở vùng Tây Nguyên

Có thể xem đây chính là "đáp án" cho bài toán thực tế hiện nay để phát triển cây bông vải Việt Nam - lời giải nằm trong chính những giải pháp, định hướng thực hiện Chương trình phát triển cây bông Việt Nam.

Theo số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, diện tích quy hoạch sản xuất bông đến 2020 trên toàn quốc là 76.000 ha. Trong đó, các tỉnh Tây Nguyên khoảng 32.000 ha, Nam Trung Bộ 27.000 ha, Trung Bô 12.000 ha và miền Bắc trên 2.000 ha.

Về quy hoạch phát triển trang trại: tỉnh Bình Thuận sẽ đầu tư 10 trang trại với diện tích 1.300 ha; Ninh Thuận với 5 trang trại, diện tích 2.800 ha; Đăk Lắk 10 trang trại, diện tích trên 4.500 ha; Gia Lai 12 trang trại, diện tích 3.450 ha; Đắk Nông 7 trang trại, diện tích 2.400 ha;...

Ngoài các chính sách tăng diện tích và trang trại trồng bông, các chính sách đầu tư về công trình thủy lợi trọng điểm cũng được đẩy mạnh như: Dự án tưới Phan Rí – Phan Thiết, khởi công 2009...

Cụ thể, để tăng năng suất cây bông đạt mục tiêu nêu trên, Chương trình phát triển cây bông vải chỉ rõ định hướng phát triển cây bông vụ mưa nhờ nước trời. Theo đó, sẽ khôi phục diện tích sản xuất bông vụ mưa tại các vùng trồng bông truyền thống có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp tại các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai), các tỉnh miền Đông và Duyên hải Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu), các tỉnh vùng núi phía Bắc (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Bắc Giang) trong đó trọng tâm là các tỉnh Tây Nguyên.

Đồng thời, sẽ phát triển cây bông vụ khô có tưới theo hướng mở rộng diện tích vùng chuyên canh cây bông vải có tưới vụ Đông Xuân; đầu tư thâm canh diện tích hiện có, mở rộng diện tích theo quy hoạch ở những nơi có điều kiện trên cơ sở sử dụng giống mới, áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cây bông.

Hình thành Quỹ bình ổn giá thu mua bông

Mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế sẽ được phát huy cùng sự hỗ trợ của Nhà nước cho đầu tư phát triển cây bông vải, gắn kết lợi ích giữa gia công chế biến, tiêu thụ với lợi ích của người trồng bông. Đồng thời, Nhà nước đầu tư cho công tác nghiên cứu, khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất bông.

Chương trình khuyến khích các doanh nghiệp chế biến bông xơ hỗ trợ người trồng bông đầu tư cơ giới hóa các khâu từ làm đất đến thu hoạch, bảo quản, xơ chế, hệ thống tưới tiết kiệm để tăng năng suất lao động nhằm tạo bước đột phá trong phát triển cây bông vải Việt Nam.

Đặc biệt, Quỹ bình ổn giá thu mua bông hạt trong nước sẽ được thành lập để ổn định giá mua bông hạt, đảm bảo lợi ích cho người trồng bông và ổn định phát triển ngành bông Việt Nam. Nguồn hình thành Quỹ được trích 2% giá thành sản xuất bông trong nước của các đơn vị tổ chức sản xuất bông, khi giá thành sản xuất bông trong nước thấp hơn giá bông nhập khẩu và các đơn vị này sản xuất kinh doanh có lãi.

Các đơn vị tổ chức sản xuất bông được vay từ Quỹ bình ổn giá với mức lãi suất phù hợp để mua bông hạt sản xuất trong nước cho người trồng bông phù hợp với mặt bằng giá từng thời vụ.

Được biết, để ngành Bông phát triển thay thế nguyên liệu nhập khẩu, các Cty Bông thuộc Cty CP Bông Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho người trồng bông như: hỗ trợ 100% giống bông, đầu tư chất điều hòa sinh trưởng, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón bình quân 3 triệu đồng/ha,…sản phẩm được Cty bao tiêu toàn bộ với giá thấp nhất là 9.000 đồng/kg và sẽ điều chỉnh theo thời giá. Với chiến lược này ngành bông bước đầu đã có tín hiệu vui khi diện tích trồng niên vụ 2008 – 2009 đã tăng trở lại.

Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) làm đầu mối hồi phục phát triển cây bông, đi cùng với đó là các dự án phát triển thủy lợi phục vụ nước tưới ở vùng trọng điểm trồng bông.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bông Việt Nam cho biết, hiện đã có 8 dự án phát triển cây bông của VinatexMart, Viện Nghiên cứu bông Nha Hố, Công ty CP Bông Tây Nguyên… được đầu tư quy mô, trồng theo mô hình trang trại, nông trường ở các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung trên diện tích 22.000 ha. Diện tích mỗi trang trại từ 1.000 ha đến 4.500 ha, tập trung ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Giai Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Cũng để chuẩn bị trồng trên diện rộng, hiện các đơn vị đã tiến hành trồng thử nghiệm trồng bông trên diện tích nhỏ, ở 2 trung tâm giống tại Phan Rang (Ninh Thuận). Hiện nay, việc đầu tư sản xuất cây bông vải chủ yếu đầu tư, liên kết sản xuất trong nông dân. Theo kế hoạch của Công ty CP Bông Việt Nam, việc hồi phục phát triển cây bông mới bắt đầu, hiện tại chỉ dừng lại ở việc duy trì sản xuất và chuẩn bị cho việc mở rộng diện tích sau này. Giống cây trồng vẫn sử dụng nguồn giống có sẵn trong nước. 

Phương Mai