In bài viết

Điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư

(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Thành Phương (TPHCM) công tác tại Ban quản lý dự án chuyên ngành về điện. Khi đơn vị ông trình chủ đầu tư thẩm định dự toán xây dựng một số công trình thì được yêu cầu phải chỉnh sửa từng khoản mục chi phí nhỏ hơn từng khoản mục chi phí tương ứng trong tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

12/11/2018 08:02

Theo quy định hiện hành thì giá trị dự toán (tổng dự toán) bắt buộc phải nhỏ hơn tổng mức đầu tư, tuy nhiên ông Phương không tìm thấy quy định cụ thể nào yêu cầu từng khoản mục chi phí trong dự toán đều phải nhỏ hơn khoản mục tương ứng trong tổng mức đầu tư.

Ông Phương hỏi, theo quy định pháp luật hiện hành, từng khoản mục chi phí trong dự toán xây dựng công trình có bắt buộc phải nhỏ hơn từng khoản mục chi phí tương ứng trong tổng mức đầu tư không?

Trường hợp quy định pháp luật cho phép một số khoản mục chi phí trong dự toán xây dựng có thể lớn hơn khoản mục chi phí tương ứng trong tổng mức đầu tư (nhưng vẫn bảo đảm giá trị dự toán xây dựng nhỏ hơn tổng mức đầu tư) thì có phải phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP trước khi phê duyệt dự toán xây dựng hay không?

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 23/5/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng là phải bảo đảm hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng.

Theo Điều 11 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về điều chỉnh dự toán xây dựng công trình:

“1. Dự toán xây dựng công trình đã phê duyệt chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp:

a) Điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;

b) Thay đổi, bổ sung thiết kế nhưng không trái với thiết kế cơ sở hoặc thay đổi cơ cấu chi phí trong dự toán kể cả chi phí dự phòng nhưng không vượt tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt;

2. Dự toán xây dựng công trình điều chỉnh gồm dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt cộng (hoặc trừ) phần giá trị tăng (hoặc giảm). Phần giá trị tăng (hoặc giảm) phải được thẩm tra, thẩm định làm cơ sở để phê duyệt dự toán xây dựng công trình điều chỉnh.

3. Chủ đầu tư tổ chức xác định dự toán xây dựng công trình điều chỉnh làm cơ sở để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu và điều chỉnh tổng mức đầu tư.

4. Trường hợp chỉ điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí nhưng không làm thay đổi giá trị dự toán xây dựng đã được phê duyệt bao gồm cả chi phí dự phòng thì chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh.

5. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình điều chỉnh thực hiện theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng”.

Trường hợp thay đổi cơ cấu các khoản mục chi phí gồm cả chi phí dự phòng nhưng không làm thay đổi giá trị tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt thì phải điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP: “Trường hợp chỉ điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí gồm cả chi phí dự phòng nhưng không làm thay đổi giá trị tổng mức đầu tư xây dựng đã phê duyệt thì chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh, báo cáo người quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh của mình”.

Chinhphu.vn