Đưa Khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia. |
Mục tiêu điều chỉnh nhằm phát triển các sản phẩm du lịch trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương, đưa Khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Phạm vi, quy mô điều chỉnh gồm: Điều chỉnh cục bộ một số phân khu chức năng trong phạm vi diện tích 812,8 ha thuộc khu vực bảo vệ II (vùng đệm) của khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Về nội dung quy hoạch điều chỉnh, điều chỉnh cục bộ các phân khu chức năng của Khu vực bảo vệ II. Cụ thể, với khu núi Trọc, núi Vặn (diện tích 50,5 ha), điều chỉnh giữ lại các hộ dân hiện trạng ở một số vị trí tại chân núi Vặn, núi Trọc và phía đông chân núi Nghĩa Lĩnh, quy hoạch thành khu dân cư; các khu chức năng được giữ nguyên theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 21/4/2017.
Với khu trung tâm lễ hội (diện tích 165,7ha), bổ sung chức năng kinh doanh dịch vụ văn hóa phục vụ du lịch tại các khu vực hạ tầng kỹ thuật từ Nhà đón tiếp đến quốc lộ 32C và từ Nhà làm việc đến tỉnh lộ 325 (cũ); khu vực chân núi Nỏn và cảnh quan xung quanh hồ Mai An Tiêm; khu vực cảnh quan chân núi Hình Nhân và đồi Lật Mật (Hồ Cây Khế); Vườn cây lưu niệm số 1 (đồi Phân Đăng) và cảnh quan xung quanh hồ Cây Xẻn; khu vực đồi Phân Bùng.
Bổ sung, tôn tạo hệ thống hạ tầng kiến trúc cảnh quan tại khu vực Trung tâm trục hành lễ. Cải tạo Nhà Trung tâm Thanh thiếu niên Hùng Vương (cũ) thành nhà dịch vụ và lưu niệm phục vụ lễ hội, du lịch hàng năm. Điều chỉnh giữ lại các hộ dân hiện trạng tại vị trí khu vực ven hồ Khuôn Muồi, ven quốc lộ 32C và phía đông chân núi Nghĩa Lĩnh, quy hoạch thành khu dân cư.
Khu đài tưởng niệm liệt sỹ và cảnh quan xung quanh đền thờ Lạc Long Quân (diện tích 78,9 ha): Tại khu vực đồi Mui Rùa, núi Hoóc Nang, núi Tay Ngai bổ sung các công trình văn hóa gắn với thời Hùng Vương và xen ghép các điểm kinh doanh, dịch vụ văn hóa phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; cải tạo nâng cấp hạ tầng, kiến trúc cảnh quan Khu đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ phù hợp cảnh quan chung của di tích.
Còn với khu dân cư hiện trạng (diện tích 124,9ha), điều chỉnh giữ lại các hộ dân hiện trạng xung quanh chân núi Vặn, núi Trọc và phía đông chân núi Nghĩa Lĩnh (đối diện hồ Cây Xẻn và Bãi xe số 5), khu vực ven hồ Khuôn Muồi và ven quốc lộ 32C, quy hoạch thành khu dân cư. Các khu dân cư hiện trạng được phép cải tạo, xây dựng nhà ở theo quy định và tổ chức các hoạt động dịch vụ thương mại, du lịch cộng đồng.
Các hộ dân nằm trong khu vực khác còn lại thuộc Khu vực bảo vệ II được giữ nguyên theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Đối với các hộ dân nằm trong phạm vi Khu vực bảo vệ I và các hộ dân tại các khu dân cư nhỏ lẻ khác, chỉ thực hiện di chuyển khi có dự án đầu tư xây dựng được triển khai thực hiện.
UBND tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai điều chỉnh cục bộ các phân khu chức năng của Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 và tổ chức thực hiện có hiệu quả điều chỉnh Quy hoạch theo quy định của pháp luật; kiểm tra, rà soát, đánh giá kế hoạch thực hiện các dự án tại các khu vực điều chỉnh cục bộ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện theo điều chỉnh cục bộ được phê duyệt. Các bộ, ngành Trung ương liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ thực hiện Quy hoạch theo quy định.
Chí Kiên