Bà Trần Hải Yến (Thanh Hóa) là kế toán của trường cấp 3. Trường bà theo chế độ kế toán quy định tại Thông tư 107/2017/TT-BTC. Năm 2018, kế toán cũ đã theo dõi và hạch toán sai tiền, tài sản cố định tại đơn vị và đã gửi báo cáo cho cơ quan tài chính và kho bạc Nhà nước.
Cuối năm 2019, khi tiếp quản lại, bà Yến đã tiến hành kiểm kê, rà soát và phát hiện sai sót của kế toán cũ. Sau khi phát hiện sai sót này, bà Yến đã tiến hành điều chỉnh vào số đầu kỳ của các tài khoản có liên quan của năm 2019. Hiện nay, Phòng Tài chính đã thanh tra và đề nghị cơ quan bà giải trình việc điều chỉnh này, Phòng Tài chính đề nghị không điều chỉnh vào số dư đầu kỳ của năm 2019.
Theo bà Yến tìm hiểu tại Điều 27 Luật Kế toán 2015 và Điều 5 Thông tư số 107/2017/TT-BTC, việc điều chỉnh sai sót sau khi nộp báo cáo cho cơ quan thẩm quyền sẽ được thực hiện vào năm phát hiện ra sai sót nên bà điều chỉnh vào số liệu năm 2019 là chính xác. Tuy nhiên, Luật và Thông tư không nói rõ điều chỉnh vào số đầu kỳ hay số phát sinh trong năm.
Bà Yến hỏi, việc sửa chữa sai sót sau khi nộp báo cáo cho cơ quan thẩm quyền sẽ được thực hiện vào số đầu kỳ hay số phát sinh trong năm phát hiện ra sai sót đó?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:
Trường hợp sai sót kế toán của năm trước được phát hiện vào năm sau sau khi đơn vị đã nộp báo cáo tài chính cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 27 Luật Kế toán 2015. Theo đó, đơn vị phải sửa chữa trên sổ kế toán của năm đã phát hiện sai sót và thuyết minh về việc sửa chữa này.
Việc điều chỉnh thực hiện vào số liệu phát sinh của năm phát hiện sai sót, không điều chỉnh vào số dư đầu kỳ. Khi thực hiện điều chỉnh số liệu, kế toán đơn vị cần căn cứ vào đầy đủ tài liệu có liên quan.