In bài viết

Điều chưa biết về “cuộc chiến pháp đình” Samsung - Apple

(Chinhphu.vn) - Tòa án liên bang Mỹ tại San Jose, bang California, ngày 24/8/2012, tuyên bố hãng công nghệ Samsung của Hàn Quốc đã vi phạm 6 bằng sáng chế của Apple, đồng thời phải bồi thường cho "Quả táo cắn dở" trên 1 tỷ USD.

28/08/2012 10:56

Ảnh minh họa

Phán quyết trên đã chính thức khép lại phiên tòa kéo dài giữa hai hãng công nghệ hàng đầu thế giới, đồng thời đây cũng phiên tòa lớn nhất trong số các cuộc chiến bằng sáng chế liên quan tới doanh số khổng lồ bán điện thoại thông minh và máy tính bảng. Sự kiện này cũng đánh dấu sự thắng thế dành cho nhà sản xuất iPhone trong cuộc chiến pháp lý với hãng điện tử Hàn Quốc, đánh dấu sự thống trị của Apple trên thị trường điện tử toàn cầu.

 Vụ kiện lớn nhất trong lịch sử làng công nghệ

Cuộc chiến pháp lý giữa hai hãng bắt đầu nổ ra từ tháng 4/2011, khi "Quả táo cắn dở" Apple chính thức kiện Samsung sao chép bất hợp pháp, vi phạm 7 bằng sáng chế trên các sản phẩm điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad của mình. Apple cũng yêu cầu hãng điện tử Hàn Quốc bồi thường 2,5 tỷ USD cho những thiệt hại đã gây ra. "Quả táo cắn dở" còn đưa ra yêu cầu cho lệnh cấm bán một dòng máy tính bảng của Samsung tại Mỹ và sau đó mở rộng sang các dòng điện thoại thông minh Smartphone.

Tuy nhiên, Samsung cũng nhanh chóng phản pháo, cáo buộc hãng di động Mỹ xâm phạm bản quyền của mình; đồng thời yêu cầu Apple bồi thường 421,8 triệu USD tiền bản quyền hai bằng sáng chế về tiêu chuẩn công nghệ di động và ba bằng sáng chế tiện ích mà Apple vi phạm.

Cuộc chiến pháp lý giữa hai hãng Apple và Samsung trở nên dai dẳng và lan rộng sang cả 4 châu lục, trong đó đã có hàng loạt đơn kiện giữa hai bên chuyển lên tòa án tại các nước Mỹ, Anh, Australia, và Hàn Quốc. Đây được coi là cuộc “đại chiến” tranh chấp phát minh công nghệ lớn nhất trong lịch sử. Một cuộc chiến nhằm thống trị thị trường điện thoại thông minh Smartphone với trị giá khoảng 219 tỷ USD.

Trong cuộc “đại chiến” kéo dài hơn một năm này, cả hai hãng đều có những chiến thắng pháp lý riêng. Tháng 11-2011, Samsung chiến thắng "Quả táo cắn dở" Apple tại Australia, sau khi tòa án từ chối lệnh cấm bán máy tính bảng Galaxy Tab.

Ngày 29/6/2012, Apple đạt được lệnh cấm bán Samsung Galaxy Nexus, dòng Smartphone đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android 4.0 (ICS). Tuy vậy, sản phẩm này vẫn còn trên thị trường vì Samsung tiếp tục kháng án.

Đặc biệt, chỉ vài giờ trước khi Tòa án liên bang Mỹ ra phán quyết cuối cùng, Tòa án Seoul của Hàn Quốc tuyên bố, cả Apple và Samsung đều vi phạm bằng sáng chế của nhau. Trong đó, Apple đã vi phạm hai bản quyền phát minh của Samsung liên quan đến công nghệ truyền tải dữ liệu di động. Về phía Samsung, hãng này vi phạm một bản quyền phát minh của Apple liên quan đến một tính năng phản hồi khi cuộn trên màn hình cảm ứng. Và cũng theo phán quyết trên, hãng Samsung không sao chép thiết kế của iPhone.

Song song với phán quyết trên, Tòa án Seoul còn  đưa ra lệnh cấm bán một số sản phẩm chủ chốt của cả hai hãng tại thị trường Hàn Quốc. Lệnh cấm này có hiệu lực ngay lập tức. Cụ thể, Apple không được tiếp tục bán ra iPhone 4, iPhone 3GS, iPad 1 và iPad 2 tại Hàn Quốc; trong khi Samsung buộc phải ngưng bán đến 12 sản phẩm bao gồm hai dòng Smartphone Galaxy S, Galaxy S II và máy tính bảng Galaxy Tab ngay trên sân nhà.

Tuy nhiên, lệnh cấm trên không bao gồm các dòng sản phẩm "đinh" mới nhất của cả hai bên như: Apple iPhone 4S, iPad thế hệ thứ ba (new iPad) và Samsung Galaxy S III, do các sản phẩm này ra mắt thị trường sau thời điểm các vụ kiện đã được đệ trình lên tòa án. Ngoài ra, Apple buộc phải bồi thường cho Samsung 40 triệu won (tương đương 35.000 USD), ngược lại hãng điện tử xứ Hàn cũng phải trả cho đối thủ Mỹ 25 triệu won.

Phán quyết tại Mỹ

Cuối cùng Tòa án liên bang Mỹ tại San Jose, bang California, đã tuyên bố một số mẫu điện thoại và máy tính bảng của Samsung đã vi phạm bằng sáng chế của Apple liên quan đến màn hình cảm ứng như: chức năng cảm ứng đa chạm, phóng to, lật trang sách điện tử… Tòa án liên bang còn cho rằng, các sản phẩm của Samsung vi phạm bằng sáng chế thiết kế của Apple cũng như "bắt chước" giao diện biểu tượng của dòng sản phẩm cách mạng iPhone.

Các thiết bị của Samsung bị ảnh hưởng bởi phán quyết của tòa án bao gồm:  Galaxy S, Galaxy S II, Nexus S, Mesmerize, Vibrant, Fascinate, Skyrocket, Continuum, Prevail, Infuse, Gem,  Indulge, Replenish, Epic 4G Touch và Droid Charge. Ngoài ra, Galaxy Tab và Galaxy Tab 10.1 cũng nằm trong danh sách bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện chưa rõ tòa án sẽ đưa ra phán quyết nào với những sản phẩm này.

Tòa án liên bang Mỹ đã bác bỏ các cáo buộc của Samsung nhằm vào Apple, cho rằng Apple vi phạm các bằng sáng chế  của Samsung và Apple sẽ không có bất kỳ  nghĩa vụ nộp phạt nào với các cáo buộc của Samsung. Tuy nhiên, tòa án Mỹ cũng thừa nhận "Đại gia" công nghệ Hàn Quốc này không vi phạm bằng sáng chế thiết kế của máy tính bảng Ipad của Apple.

Để đưa ra được phán quyết công bằng và thuyết phục nhất, bồi thẩm đoàn Mỹ đã phải nghiên cứu 28 thiết bị khác nhau của Samsung mà Apple cáo buộc rằng vi phạm 7 bằng sáng chế, từ giao diện các biểu tượng trên màn hình cho đến chức năng cảm ứng đa chạm.

Theo nhà quản lý Quỹ Đầu tư Shinhan BNP Paribas Asset Management Co. Im Jeong Jae, trong số các vụ kiện giữa hai hãng ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, các phán quyết của Tòa án tại Mỹ là quan trọng nhất, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả các vụ kiện tụng tương tự giữa Apple và Samsung đang diễn ra tại những nơi khác trên thế giới như châu Âu và châu Đại dương.

Mục tiêu thật sự: Google

Theo một số nhà phân tích, việc Apple thắng kiện tại Mỹ không chỉ giáng một đòn mạnh vào Samsung mà còn là phát súng mở màn để "Quả táo cắn dở" tiếp tục kiện các công ty sản xuất thiết bị chạy hệ điều hành Android khác.

Giám đốc điều hành Trung tâm Luật và Công nghệ Berkeley Robert Barr cho rằng: “Không chỉ Samsung mà các công ty khác bắt chước sản phẩm của Apple sẽ gặp nhiều khó khăn”, đặc biệt là hệ điều hành di động Android của Google. Hệ điều hành này là đối thủ của iOS - hệ điều hành di động của các thiết bị Apple. Android không chỉ có mặt trên Samsung (đối tác chính) mà còn trên nhiều thiết bị của các hãng khác như HTC, LG.

Theo đó, Samsung và các nhà sản xuất điện thoại di động thông minh khác sẽ buộc phải thiết kế lại sản phẩm của mình sao cho ít giống các sản phẩm của Apple nhất,  nếu không muốn “dây dưa” với “Quả táo cắn dở”. Theo thống kê, cứ mỗi chiếc iPhone được bán ra trên toàn cầu thì có hơn ba chiếc điện thoại thông minh chạy Android được tiêu thụ. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh như vũ bão của Android.

Một thống kê  khác của Công ty nghiên cứu IDC cho thấy, Samsung bán ra 50,2 triệu điện thoại thông minh trên toàn cầu trong quý  2 năm nay, trong khi Apple chỉ bán được 26 triệu iPhone. Samsung hiện nắm giữ 32,6% thị phần, còn Apple nắm 16,9%.

Trước đó, các lãnh đạo của Apple cũng luôn coi Android là sự bắt chước và ăn cắp phát minh của Apple. Cựu lãnh đạo Apple Steve Jobs từng nói với người viết tiểu sử  cho mình rằng Android là một “sản phẩm ăn cắp”. Trang tin công nghệ CNET cho rằng, phán quyết trên của tòa án Mỹ là một mất mát lớn cho Google và đừng hi vọng Apple sẽ chỉ dừng lại ở đây...

 Người tiêu dùng bị ảnh hưởng

Ngay sau khi tòa  án Mỹ ra phán quyết cuối cùng, Samsung tuyên bố  đây là một mất mát đối với người tiêu dùng Mỹ. Vì “điều này sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng ít có lựa chọn hơn, sản phẩm sẽ ít sáng tạo hơn và có thể là giá sản phẩm sẽ cao hơn... Thật đáng tiếc khi luật pháp lại cấp bằng sáng chế cho một công ty độc quyền về thiết kế hình chữ nhật với các góc bo tròn, trong khi công nghệ đang được cải tiến hàng ngày bởi Samsung và những công ty khác. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn và họ biết mình đang muốn những gì”. Mặt khác, đại gia công nghệ Hàn Quốc cũng khẳng định sẽ yêu cầu tòa liên bang Mỹ lật ngược bản án và nếu không thành công, Samsung sẽ kháng án lên tòa tối cao.

Về phía người tiêu dùng, theo một số chuyên gia, trong tương lai họ  có thể sẽ được tiếp cận các mẫu máy tính bảng và điện thoại mới hoặc có thể  sẽ phải nhận lấy những thiết bị mà các nhà sản xuất vội vàng chắp vá để tránh “đụng hàng” với Apple. Giới phân tích công nghệ cũng đưa ra hai khả năng: đó là Samsung sẽ phải thiết kế lại các sản phẩm của mình hoặc trả tiền bản quyền cho Apple để tiếp tục sử dụng các tính năng hiện có.

Trong trường hợp phải trả tiền bản quyền cho Apple, theo nhà phân tích Al Hilwa của IDC, người tiêu dùng sẽ chịu một loại “thuế Apple” và các điện thoại Android sẽ đắt đỏ hơn. Dù sao thì trong lúc đợi kháng án, Samsung vẫn còn thời gian để giữ các sản phẩm của mình trên thị trường và tung ra sản phẩm mới.

Tuy nhiên, vấn  đề mấu chốt nằm ở chỗ rất nhiều tính năng chủ chốt vi phạm bằng sáng chế của Apple lại nằm ở bản thân hệ điều hành Android. Một vấn đề nữa là nếu các vụ kiện bản quyền cứ kéo dài, tất nhiên các hãng sẽ phải tốn kém chi phí về pháp lý. Những chi phí này rốt cuộc sẽ dồn lên các hãng viễn thông và chính người tiêu dùng.

Giờ đây, với thất bại của Samsung trước Apple, lòng tin của các hãng sản xuất sử dụng Android sẽ trở nên lung lay. Do vậy, hơn bao giờ, Google cần phải thể hiện được vai trò của mình trong việc đứng ra để bảo vệ cho các đối tác của mình trước sự tấn công của các đối thủ. Có khi đó, các hãng sản xuất mới có thể an tâm để tiếp tục gắn bó với nền tảng Android.

Mặt khác, các nhà  phân tích cũng cho rằng, phán quyết trên của tòa án Mỹ có thể sẽ tác động tích cực đến một bên thứ ba không liên quan đến vụ kiện. Đó là Microsoft với hệ điều hành Windows Phone. Nhà phân tích Avi Greengart thuộc Công ty phân tích Current cho rằng: “Nếu sử dụng Android và bị Apple kiện cùng với giá thiết bị đắt đỏ hơn, người dùng sẽ đổ xô sang Microsoft”. Và đây sẽ là một cơ hội không thể tốt hơn để Windows Phone có dịp tăng tốc trên thị trường di động./.

Nguyễn Chiến