In bài viết

Điều hành chính sách quyết liệt, cải cách thể chế thúc đẩy tăng trưởng

(Chinhphu.vn) – Về thể chế, Chính phủ đang điều hành chính sách rất quyết liệt, kiểm soát chất lượng của các văn bản từ khâu ban hành, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước. Các DN cũng cần có tâm thế chủ động từ việc tuân thủ thể chế hiện tại cho đến việc chuẩn bị và sẵn sàng cho các "luật chơi" mới.

06/06/2024 19:11
Điều hành chính sách quyết liệt, cải cách thể chế thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 1.

Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024) do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) - Ảnh: VGP/HT

Đó là ý kiến của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024) do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chiều ngày 6/6 tại Hà Nội.

DN cần thích ứng với các 'luật chơi' mới

Ông Phan Đức Hiếu, chỉ ra điểm khác biệt cơ bản trong cách thức điều hành kinh tế xã hội của năm 2024 khi mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng được đặt lên, trong khi năm 2023 đặt trọng tâm vào kiểm soát kinh tế vĩ mô.

Với yếu tố thị trường hiện tại, tính cạnh tranh của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và nước ngoài đều trở nên gay gắt hơn. Nếu như trước đây, doanh nghiệp có thể giành lại thị phần khi thị trường phục hồi nhưng hiện tại sẽ có rất nhiều đối thủ cạnh tranh tham gia giành lấy thị phần cùng các hàng rào gia nhập khó khăn hơn và hành vi của người tiêu dùng cũng khó dự đoán hơn.

Điều hành chính sách quyết liệt, cải cách thể chế thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 2.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Ảnh: VGP/HT

Về thể chế, Chính phủ hiện đang điều hành chính sách rất quyết liệt, kiểm soát chất lượng của các văn bản từ khâu ban hành, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giảm câu chuyện "một cửa nhiều ngách".

Trong năm qua, nhiều luật được ban hành. Trong đó, 4 luật quan trọng là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 có hiệu lực từ 1/1/2025 và đang được trình để đẩy sớm lên trước 5 tháng.

"Hiện nay, luật chơi mới đã được thiết lập. Với sự thay đổi này, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và có chiến lược phù hợp với 4 luật. Các luật này có thể tái cơ cấu thị trường đối với ngành nghề sản xuất kinh doanh có liên quan", ông Hiếu cho hay. Do đó, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi, từ việc tuân thủ thế chế hiện tại cho đến việc chuẩn bị và sẵn sàng cho các luật chơi mới".

Ngay như tại kỳ họp Quốc hội lần này, các luật mới như luật Đấu giá tài sản, luật Thủ đô… có tác động lớn về hoạt động kinh tế xã hội. Để ứng biến, các doanh nghiệp cần bám sát để ứng biến khi luật lệ đã được thông qua, thậm chí có kịch bản sớm từ khi có dự thảo.

Điều hành chính sách quyết liệt, cải cách thể chế thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 3.

TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - Ảnh: VGP/HT

Phân tích về tỉ giá, TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra dự báo, tỉ giá sẽ không vượt qua 26.000 VND/USD bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7/2024. Cho dù việc cắt giảm lãi suất diễn ra vào tháng 7 hay tháng 9 thì USD vẫn trong xu hướng giảm giá. Khi Fed cắt giảm lãi suất, USD Index sẽ giảm xuống 100 điểm. Do đó, Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá.

"USD có thể sẽ giảm giá ít nhất từ nay đến năm 2027 và USD Index đi quanh ngưỡng 95-105 điểm, không còn tăng cao hơn nữa. Lãi suất của Fed sẽ giảm xuống mức 2,75-3% trong vòng 3 năm nữa. Theo đó, VNĐ nên mất giá ở mức độ xấp xỉ với tốc độ lạm phát. Theo đó, mặt bằng lãi suất cần xoay quanh mức CPI cộng với biên độ khoảng 3-4%", vị chuyên gia này nói.

"Nếu xem tỉ giá là đường ruột thì kháng sinh liều cao là lãi suất. Nếu đẩy lãi suất lên cao để trị lạm phát, tỷ giá thì quá đơn giản. Điều mà tôi muốn nói là đừng sử dụng thuốc kháng sinh liều cao để chữa bệnh đường ruột", TS Trương Văn Phước ví von.

Mặc dù vậy, ông Trương Văn Phước lại cho rằng, cần đánh giá lại chính sách lãi suất USD 0%, bởi đây là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam luôn bị áp lực với tỉ giá.

Cũng liên quan tới tỷ giá, ông Tống Quốc Đạt, Trưởng phòng Phân tích thị trường cấp cao Exness Investment Bank lại cho rằng, có thể giá USD sẽ không giảm mạnh như kỳ vọng. Thứ nhất, xét về tương quan, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh hơn nhiều so với châu Âu hay các quốc gia G7 khác.

Ngoài ra, ngay cả khi Mỹ hạ lãi suất thì châu Âu cũng sẽ thực hiện điều tương tự, thậm chí với tốc độ nhanh hơn.

"Do lạm phát EU ổn định hơn, nên châu Âu nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất nhanh và mạnh hơn so với Mỹ, vô hình chung đẩy sức mạnh của đồng USD đi lên. Ngoài ra, Euro cũng đóng vai trò lớn trong USD Index (DXY)", ông Trương Quốc Đạt nhận định.

Nền tảng vĩ mô ổn định nhưng còn nhiều tác động khó khăn từ bên ngoài

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: Các rủi ro, thách thức chính trong năm 2024 - 2025 là xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Đáng lưu ý, lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao.

Điều hành chính sách quyết liệt, cải cách thể chế thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 4.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - Ảnh: VGP/HT

Bên cạnh đó, đà phục hồi chậm lại ở 1 số nước (Mỹ, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc…), kéo theo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 thấp hơn năm 2023, nhưng sẽ phục hồi dần trong năm 2025. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; biến đổi khí hậu bất thường. Phân tích các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam, TS Cấn Văn Lực cho rằng, các động lực tăng trưởng đang phục hồi, dù không đồng đều.

Cụ thể, nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa (nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ…) ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, góp phần giảm bớt áp lực đối với chính sách tiền tệ.

Đồng thời, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất giảm, tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán tăng khá nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường và bất động sản đang dần phục hồi.

TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý, các xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng… tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số, tài chính xanh, đầu tư xanh. Đặc biệt, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, thông qua việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản, Australia, nhờ đó sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch…

Bên cạnh đó, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế được thúc đẩy, điển hình là đẩy nhanh thời điểm áp dụng các luật mới ban hành như Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng… lên sớm hơn 5 tháng, góp phần thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tài chính – ngân hàng trở nên lành mạnh, bền vững hơn.

Tuy nhiên, ông Lực cũng lưu ý các thách thức như du lịch (nhất là quốc tế) phục hồi mạnh nhưng chi tiêu còn ít; sản xuất công nghiệp phục hồi từ tháng 5/2023, tuy nhiên chưa vững chắc. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn chủ yếu do vấn đề pháp lý, môi trường kinh doanh; vốn đầu tư tư nhân còn thận trọng; thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhưng còn chậm. Thể chế cho các lĩnh vực mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn….) còn chậm ban hành trong khi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ còn diễn ra…

TS. Cấn Văn Lực cho biết, năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn khoảng 213,5 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản khoảng 80.000 tỷ đồng (37%), là những con số không đáng lo ngại.

Từ các phân tích trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bối cảnh hiện nay cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức, nhà đầu tư cần phải biết khẩu vị rủi ro của mình để đa dạng hóa danh mục đầu tư, sử dụng đòn bẩy hợp lý..., chú trọng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ chuyên môn của các trung gian tài chính khác.

Các chuyên gia phân tích, hiện nay bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối diện với những biến động, rủi ro địa chính trị tăng cao, lạm phát còn dai dẳng và có sự phân cực lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia có tác động tới kinh tế Việt Nam. Mỹ và châu Âu tiếp tục thắt chặt, trong khi các quốc gia châu Á đã xoay trục sang nới lỏng. Vì vậy, việc nhận rõ những biến số quan trọng tác động đến kinh tế để xây dựng kịch bản đầu tư chủ động, linh hoạt là vô cùng cần thiết.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức trao Kỷ niệm chương Vinh danh Doanh nghiệp Vì sự phát triển dịch vụ tài chính cho 25 đơn vị, đó là các tổ chức đã có nhiều đóng góp thông qua các chiến lược phát triển các dịch vụ tài chính vì cộng đồng, cũng như tham gia công tác chuyên môn, tổ chức cho Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024. Diễn đàn năm nay cũng trao 35 cúp vinh danh cho các tổ chức đạt sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu...

Anh Minh