Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM trong phiên thảo luận sáng 24/5. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Phần lớn đại biểu các tổ trong thảo luận đều đồng tình với những giải pháp mà Chính phủ đặt ra cũng như những thành quả bước đầu thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội những tháng đầu năm 2012.
Tuy nhiên không cùng giảm ngay với lạm phát, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao (15%), cộng thêm việc doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn nên sản xuất kinh doanh đình trệ, sức mua yếu khiến nền kinh tế gặp khó khăn.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng, với sức mua giảm như mấy tháng qua thì chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng ở mức 1 con số. Vì thế, Chính phủ cũng cần chú ý tới thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) kiến nghị trong năm 2012, Chính phủ cần có chính sách tiết giảm chi tiêu công và tạo đà cho kinh tế phát triển.
Vẫn theo luồng ý kiến này, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) và Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề nghị cần giảm ngay mặt bằng lãi suất cho vay xuống còn khoảng 13%. Đồng thời đề nghị cần có giải pháp hữu hiệu để dòng vốn đến nhanh và đúng địa chỉ là các doanh nghiệp có năng lực.
Từ thực tiễn nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm (chỉ số giá tiêu dùng giảm tốc, tăng trưởng GDP khoảng 4%) và các giải pháp Chính phủ đề ra, các đại biểu cho rằng mục tiêu lạm phát dưới 10% hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng mục tiêu đạt tăng trưởng 6- 6,5% sẽ khó khăn.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ phải điều hành hài hòa các giải pháp để vừa kiềm chế lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để thống nhất từ tư duy và hành động trong phát triển kinh tế- xã hội năm 2012, đại biểu Bạch Mai (TP HCM) cho rằng Chính phủ cần có cách làm cụ thể thực hiện giải pháp thứ 6 là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.
Thành Chung