Bà Trương Thị Tuyết Hương (Đà Nẵng) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn tình huống như sau:
Liên danh A và B đã trúng thầu cung ứng thuốc cho bệnh viện C, nay bệnh viện D thực hiện mua sắm thuốc bằng hình thức mua sắm trực tiếp theo kết quả đấu thầu và hợp đồng này.
Liên danh A-B thỏa thuận ủy quyền cho công ty A đại diện liên doanh tham gia tại bệnh viện D. Bà Hương hỏi, việc ủy quyền này có đúng theo quy định pháp luật không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Điều 24 Luật Đấu thầu quy định mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác. Mua sắm trực tiếp được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó;
- Gói thầu có nội dung, tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó;
- Đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó;
- Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng. Trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì được áp dụng mua sắm trực tiếp đối với nhà thầu khác nếu đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và giá theo hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó.
Đối với trường hợp nêu trong câu hỏi của bà Hương, việc áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp phải tuân thủ quy định nêu trên.