Ảnh minh họa |
Cụ thể, mỗi tỉnh có Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ gồm Trưởng ban là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn hóa, xã hội. Mỗi huyện, mỗi xã có một Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ do lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã làm trưởng ban. Mỗi cơ sở giáo dục có người theo dõi phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tại địa bàn được phân công.
Kinh phí thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, theo phân cấp quản lí và nguồn huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.
Theo dự thảo, để đảm bảo việc xóa mù chữ, xã phải bảo đảm huy động đủ người tham gia dạy học xóa mù chữ tại địa bàn là giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác, người có đủ điều kiện theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009.
Đối với các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo, bảo đảm huy động đủ người tham gia dạy học xoá mù chữ tại địa bàn là giáo viên hoặc người đã tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, theo dự thảo, xã bảo đảm điều kiện thuận lợi cho các lớp xóa mù chữ được sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục, trung tâm học tập cộng đồng, cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức khác và cá nhân trong địa bàn để thực hiện dạy học xóa mù chữ.
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi
Dự thảo nêu rõ điều kiện cụ thể đối với phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi như sau:
Về đội ngũ giáo viên, nhân viên, cơ sở giáo dục bảo đảm có 100% giáo viên được hưởng chế độ chính sách theo quy định hiện hành. Số lượng giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TT-BGDĐT-BNV; 100% giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 của Luật Giáo dục năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009.
Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, theo dự thảo, tỉnh, huyện cần có mạng lưới cơ sở giáo dục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, điều kiện giao thông bảo đảm đưa, đón trẻ em thuận lợi, an toàn.
Cơ sở giáo dục cần bảo đảm có số phòng học (phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ) cho lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt tỉ lệ ít nhất 1 phòng học/lớp. Phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi được xây kiên cố hoặc bán kiên cố theo tiêu chuẩn quy định, an toàn, trong đó có phòng sinh hoạt chung bảo đảm diện tích tối thiểu 1,5m2/trẻ; đối với vùng đặc biệt khó khăn, phòng học bảo đảm an toàn, đủ ánh sáng, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT và Thông tư số 34/2013/TT-BGDĐT.
Bên cạnh đó, sân chơi xanh, sạch, đẹp và đồ chơi ngoài trời được sử dụng thường xuyên, an toàn; có nguồn nước sạch, hệ thống thoát nước; công trình vệ sinh đủ và đạt yêu cầu.
Điều kiện bảo đảm phổ cập giáo dục cũng được dự thảo nêu rõ đối với phổ cập giáo dục tiểu học; phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn