Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Khoản 9 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT quy định: "Bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp quy định tại tiêu chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được xác định là bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên hoặc bằng cử nhân chuyên ngành không thuộc ngành đào tạo giáo viên mà trong chương trình đào tạo của chuyên ngành đó có các môn học hoặc học phần (thuộc khối kiến thức chuyên ngành) đảm bảo yêu cầu giảng dạy môn học cụ thể trong Chương trình giáo dục phổ thông. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục quyết định hoặc phối hợp với cơ sở đào tạo (nơi cấp bằng) để xác định tính phù hợp của bằng cử nhân với môn học cụ thể trong Chương trình giáo dục phổ thông".
Do đó, đề nghị bà Hằng liên hệ với cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục tại địa phương để được giải đáp về việc bằng tốt nghiệp cử nhân Luật có được xác định là phù hợp để dạy môn Giáo dục công dân cấp THCS hay không. Bên cạnh đó, bà cần lưu ý, để đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên THCS thì bên cạnh bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp thì bà phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS.
Về việc chuyển chức danh nghề nghiệp, Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định: "Xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác tương ứng cùng mức độ phức tạp công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm".
Vị trí việc làm nhân viên và giáo viên trong trường phổ thông không được xác định là có cùng mức độ phức tạp công việc. Do đó, trường hợp địa phương, cơ sở giáo dục có nhu cầu tuyển dụng giáo viên THCS và nếu bà đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm thì bà có thể đăng ký tuyển dụng theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền của địa phương.
Chinhphu.vn