In bài viết

Điều kiện cộng nối thời gian công tác trong ngành Công an

(Chinhphu.vn) – Ông Đậu Anh Đạt (Bình Phước) làm việc trong ngành Công an từ tháng 3/1979, năm 1982 được điều động làm việc tại Trại giam Tống Lê Chân. Tháng 11/1990, ông thôi việc về địa phương, được hưởng 15 tháng nguyên lương, tiền tàu xe và cước phí hành lý không quá 70kg.

22/10/2020 08:02

Việc tính thời gian công tác cho công an nhân dân thực hiện theo Nghị định số 153/2013/NĐ-CP và 33/2016/NĐ-CP
Tháng 6/2007 đến nay, ông Đạt giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, có đóng BHXH. Ông Đạt hỏi, ông có được cộng nối thời gian công tác trong ngành Công an với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ nội dung Công văn số 1919/LĐTBXH-BHXH ngày 20/5/2019 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc thời gian công tác tính hưởng BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993 thì việc xem xét, giải quyết tính thời gian công tác để hưởng BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993 đã được quy định chi tiết tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 153/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH năm 2006 và Khoản 9 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH năm 2014.

Vì vậy, thời gian công tác trong ngành Công an của ông từ tháng 3/1979 đến tháng 11/1990 thuộc đối tượng được xem xét để cộng nối với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH.

Chinhphu.vn