1. Bà Ngô Thị Liên: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề “Chăm sóc sắc đẹp”, chứng chỉ kỹ năng nghề “Vẽ móng nghệ thuật” do trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cấp và các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ sư phạm dạy nghề dạy trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề khác.
2. Ông Lê Ngọc Anh: Tốt nghiệp cử nhân “thẩm mỹ làm đẹp” trường Đại học Y tế phúc lợi – Đại học Dongshin (Hàn Quốc), có đầy đủ các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ sư phạm dạy nghề dạy trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề khác.
Ngày 7/6/2018, Công ty nộp hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp nghề tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội. Ngày 18/6/2018, Công ty nhận được phiếu báo cáo đề xuất giải quyết hồ sơ của cán bộ Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội về việc giáo viên Ngô Thị Liên dạy nghề làm móng nghệ thuật có trình độ chuyên môn không phù hợp với ngành nghề đăng ký (cụ thể trình độ cao đẳng nghề Chăm sóc sắc đẹp).
Ngày 26/6/2018, sau khi bổ sung hồ sơ, Công ty nhận được phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ với nội dung: Giáo viên Lê Ngọc Anh có trình độ đào tạo chưa đáp ứng quy định, có được đào tạo môn Tạo mẫu tóc với 3 tín chỉ, lượng tín chỉ được đào tạo tương đối ít so với thời lượng đào tạo 322 giờ theo chương trình đào tạo do Công ty xây dựng.
Căn cứ Điều 3 Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, quy định về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp như sau: “Có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề hoặc trung cấp trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với nghề giảng dạy hoặc có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với nghề giảng dạy để dạy trình độ sơ cấp sau: Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 1 hoặc chứng nhận bậc thợ 3/7, 2/6 hoặc chứng nhận nghệ nhân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên”.
Theo Công ty, ngành nghề “Chăm sóc sắc đẹp” hay “Thẩm mỹ làm đẹp” là lĩnh vực rộng, bao gồm các hoạt động chăm sóc da, chăm sóc/tạo mẫu tóc, trang điểm nghệ thuật, chăm sóc/vẽ móng nghệ thuật…. Chuyên ngành đào tạo của 2 giáo viên nêu trên phù hợp với nghề giảng dạy mà Công ty đăng ký.
Mặt khác, Công ty không tìm thấy căn cứ pháp luật nào quy định: Trong quá trình giáo viên học trung cấp/cao đẳng/đại học, môn học mà giáo viên đang giảng dạy phải được đào tạo tối thiểu bao nhiêu tín chỉ thì mới được tiến hành giảng dạy.
Công ty Thương mại và Dịch vụ Châu Đại Dương đề nghị giải đáp, 2 lao động nêu trên đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp nghề liên quan đến chăm sóc sắc đẹp/thẩm mỹ làm đẹp chưa? Bà Ngô Thị Liên có đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn trình độ chuyên môn giảng dạy trình độ sơ cấp nghề Vẽ móng nghệ và ông Lê Ngọc Anh có đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn trình độ chuyên môn giảng dạy trình độ sơ cấp nghề Tạo mẫu tóc không?
Về vấn đề này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Xét hồ sơ giáo viên, bà Ngô Thị Liên có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề “Chăm sóc sắc đẹp”; chứng chỉ kỹ năng nghề “Vẽ móng nghệ thuật” do trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cấp (thời gian đào tạo 2 tháng). Trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng nghề có môn học Vẽ móng nghệ thuật cơ bản. Ông Lê Ngọc Anh có bằng tốt nghiệp cử nhân “Thẩm mỹ làm đẹp” do trường Đại học Y tế phúc lợi - Đại học Dongshin Hàn Quốc cấp. Trong chương trình đào tạo trình độ đại học có các môn học: Môn cắt cơ bản, Tạo mẫu tóc.
Xét thực tế đào tạo trong nước ngành Dịch vụ thẩm mỹ, hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 2/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, đối với trình độ trung cấp, nhóm ngành Dịch vụ thẩm mỹ đào tạo 4 nghề: Dịch vụ thẩm mỹ (Mã số 5810401), Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp (Mã số 5810402), Kỹ thuật chăm sóc tóc (Mã số 5810403), Chăm sóc sắc đẹp (Mã số 5810404).
Đối với trình độ cao đẳng đào tạo 1 nghề: Chăm sóc sắc đẹp (Mã số 6810404).
Theo quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, nhóm ngành Dịch vụ thẩm mỹ không có trong danh mục đào tạo trình độ đại học.
Như vậy, đào tạo trong nước nhóm ngành Dịch vụ thẩm mỹ còn hạn chế, đặc biệt với trình độ cao đẳng và đại học, trong khi đào tạo các nghề thuộc nhóm ngành Dịch vụ thẩm mỹ trình độ sơ cấp rất đa dạng.
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 3, Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; xét thực tế trong nước về đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học ngành Dịch vụ thẩm mỹ, xét hồ sơ và các môn học được đào tạo chuyên ngành Chăm sóc sắc đẹp và ngành Thẩm mỹ làm đẹp, bà Ngô Thị Liên đủ điều kiện về tiêu chuẩn chuyên môn để dạy trình độ sơ cấp nghề Làm móng nghệ thuật và ông Lê Ngọc Anh đủ điều kiện về tiêu chuẩn chuyên môn để dạy trình độ sơ cấp nghề Tạo mẫu tóc.