In bài viết

Điều kiện đối với người hành nghề công tác xã hội

(Chinhphu.vn) – Tại dự thảo Luật Công tác xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất quy định về điều kiện đối với người hành nghề công tác xã hội.

04/12/2018 17:34

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, người làm công tác xã hội là người làm một hoặc nhiều hoạt động của công tác xã hội.

Người làm công tác xã hội bao gồm: 1- Công chức nhà nước làm công tác quản lý nhà nước về công tác xã hội; 2- Viên chức nhà nước làm công tác xã hội tại các đơn vị sự nghiệp công lập; 3- Người làm công tác xã hội trong các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật; 4- Người làm công tác xã hội trong các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp và đoàn thể khác; 5- Người làm công tác xã hội độc lập.

Người hành nghề công tác xã hội người làm công tác xã hội, được đào tạo và có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác xã hội; được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Người hành nghề công tác xã hội là một bộ phận trong tổng số những người làm công tác xã hội, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội theo quy định tại Luật này.

Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề

Theo dự thảo, điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam là: Văn bằng chuyên môn liên quan đến công tác xã hội được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam; có văn bản xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội; có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề công tác xã hội; đạt kỳ thi sát hạch theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bên cạnh đó, không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn công tác xã hội theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn công tác xã hội; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; không có tiền án, tiền sự liên quan đến xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài là: Có đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề nêu trên; đáp ứng yêu cầu về giao tiếp ngôn ngữ trong hoạt động hành nghề công tác xã hội; có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận; có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.

Trường hợp người nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề công tác xã hội do nước ngoài cấp thì không tham gia kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điều kiện cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề là: Có đủ điều kiện nêu trên, trừ điều kiện về văn bản xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội; có giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức công tác xã hội liên tục theo quy định.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn