Ảnh minh họa |
Tháng 11/2005, ông Tuấn tốt nghiệp Trường Quân sự tỉnh được cấp bằng Trung cấp quân sự. Từ tháng 10/2004-8/2010 ông chỉ được hưởng lương hệ số lương 1,86, không được nâng bậc lương.
Từ tháng 9/2010-12/2010, ông Tuấn giữ chức xã đội trưởng. Từ tháng 1/2011-9/2011 là Thường trực Đảng ủy. Từ tháng 10/2011 đến nay là Phó Bí thư thường trực Đảng ủy.
Ông Tuấn hỏi, giai đoạn từ tháng 10/2004 đến 8/2010 ông có được xét nâng bậc lương hay không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp trường hợp ông Tuấn như sau:
Ngày 2/11/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 184/2004/NĐ-CP quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ. Khoản 3 Điều 22 Nghị định này quy định, Xã đội phó được hưởng chế độ lương cán sự bằng mức lương hệ số 1,46 mức lương tối thiểu và đóng BHXH, nếu qua đào tạo chuyên nghiệp quân sự tại trường quân sự tỉnh thì được nâng lương theo ngạch cán sự (mã số 01.004), khi nghỉ việc được hưởng chế độ cán bộ công chức cấp xã.
Tại Nghị định này không thấy có quy định nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ Xã đội phó.
Vào tháng 10/2004, khi đang giữ chức vụ Xã đội phó, đang được đào tạo Trung cấp quân sự, ông Nguyễn Văn Tuấn được UBND huyện xếp lương hệ số 1,86, ngạch cán sự. Đến tháng 11/2005, ông Tuấn mới tốt nghiệp Trường quân sự tỉnh, được cấp bằng Trung cấp quân sự, nhưng đã được hưởng lương cán sự hệ số 1,86 từ tháng 10/2004 (trước 1 năm) là có lợi hơn so với quy định.
Từ tháng 10/2004 đến tháng 8/2010, ông tiếp tục giữ chức vụ Xã đội phó, đồng thời giữ chức danh công chức Văn phòng – Thống kê thuộc UBND xã.
Ở giai đoạn này chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thực hiện theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và kể từ ngày 1/1/2010 trở đi thực hiện theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Chỉ huy phó quân sự xã thuộc biên chế cán bộ không chuyên trách cấp xã, do đó không thực hiện chế độ nâng bậc lương .
Tuy nhiên, theo trình bày của ông Tuấn, cùng vào thời gian này, ông Tuấn đồng thời giữ chức danh công chức Văn phòng – Thống kê, đây là chức danh công chức cấp xã theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 2 Nghị định số 121/2004/NĐ-CP và điểm c, khoản 2, Điều 3 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.
Với chức danh công chức Văn phòng-Thống kê và đang hưởng lương như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì ông Tuấn thuộc đối tượng áp dụng chế độ nâng bậc lương theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, cứ sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch cán sự được xét nâng lên một bậc lương.
Nếu sự việc đúng như ông Tuấn trình bày, thời gian từ tháng 10/2004 đến tháng 8/2010, cùng với chức vụ Chỉ huy phó quân sự xã, ông Tuấn đồng thời giữ chức danh công chức Văn phòng – Thống kê, trong thời gian đó ông hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức thì thuộc diện xét nâng bậc thường xuyên theo chức danh công chức Văn phòng – Thống kê.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin liên quan:
- Thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên