Năm 2014, đơn vị có đợt chuyển ngạch tiếp theo, nhưng tất cả kế toán trường học đều không được chuyển vì đối tượng được chuyển ngạch chỉ áp dụng đối với giáo viên, không thực hiện đối với nhân viên.
Từ năm 2015-2018 không có đợt chuyển ngạch. Năm 2019 và năm 2020 tiếp tục có đợt chuyển ngạch nhưng cũng chỉ áp dụng đối với giáo viên.
Tháng 3/2021, bà Huynh được UBND huyện đồng ý cho đi học lớp bồi dưỡng ngạch kế toán viên do trường bồi dưỡng cán bộ tài chính mở lớp (kinh phí tự túc). Hiện nay, bà đã học xong, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên trường chưa tổ chức thi. Phía nhà trường cũng đã gửi giấy xác nhận bà hoàn thành khóa học để làm căn cứ bổ sung hồ sơ khi có yêu cầu.
Vừa qua, UBND huyện có Công văn về việc chuyển ngạch và xếp lương đối với công chức, viên chức chuyên ngành kế toán, trong đó có yêu cầu rà soát các đối tượng có đủ điều kiện để lập danh sách đề nghị Sở Nội vụ chuyển xếp lương, nhưng đến nay bà vẫn chưa nhận được Công văn này.
Theo Công văn thì "có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch kế toán viên trung cấp" mới đủ điều kiện, nhưng Sở Nội vụ không chấp thuận do không đúng theo quy định tại Thông tư số 77/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính. Bà Huynh hỏi, trường hợp của bà phải làm thế nào để đủ điều kiện được chuyển xếp lương theo Thông tư số 77/2019/TT-BTC?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Tại Điều 4 Khoản 25 Thông tư số 77/2019/TT-BTC quy định về cách xếp lương như sau:
“Công chức hiện đang xếp ngạch kế toán viên trung cấp nếu tốt nghiệp trình độ cao đẳng phù hợp với vị trí công việc đang làm, hiện đang xếp lương theo công chức loại B ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì được xếp lại lương sang công chức loại A0 theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển loại công chức, viên chức”.
Tại Điều 4 Khoản 8 Thông tư số 77/2019/TT-BTC quy định về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng của ngạch kế toán viên trung cấp như sau:
“a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính;
b) Có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch kế toán viên trung cấp;”
Tại Khoản 2 Điều 27 Thông tư số 77/2019/TT-BTC quy định: “Viên chức làm công tác kế toán trong các đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng các quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụvà cách xếp lương của các ngạch công chức chuyên ngành kế toán quy định tại Thông tư này để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức”
Tại Khoản 3 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức quy định: “Trường hợp công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn và điều kiện được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển loại công chức, viên chức từ loại A0 sang loại A1; từ loại B, loại C sang loại A (gồm A0 và A1) hoặc từ loại C sang loại B, thì thực hiện như cách xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức hướng dẫn tại Khoản 1 mục II Thông tư này.”
Như vậy, trường hợp viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV (kế toán viên trung cấp, hưởng lương viên chức loại B theo bảng 3 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ), nếu tốt nghiệp trình độ cao đẳng/đại học phù hợp vị trí công việc đang làm và đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp thì được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển loại viên chức từ loại B sang loại A0, cách xếp lương thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ.
Tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định:
“1. Viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;
c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng;
d) Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.”
Tại Điểm a, Khoản 3, Điều 26 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định:
“a) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được đăng ký dự thi nâng ngạch, đăng ký dự thi thăng hạng; xét bổ nhiệm vào ngạch, hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề;”
Do đó, khi viên chức đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề.
Trong trường hợp cụ thể của bà Nguyễn Thị Huynh thì cần có chứng chỉ bồi dưỡng ngạch kế toán viên và các điều kiện, tiêu chuẩn khác theo quy định của ngạch kế toán viên để dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III (kế toán viên).
Chinhphu.vn