Ảnh minh hoạ |
Về vấn đề này, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam có ý kiến như sau:
Ngày 5/9/2006, hộ bà Đoàn Thị Ngọ (thuộc đối tượng hộ nghèo) có vay vốn chương trình tín dụng HSSV cho con là Nguyễn Văn Đoàn, số tiền vay là 18.200.000 đồng. Năm 2009, sinh viên Đoàn mắc bệnh hiểm nghèo và chết.
Ngày 26/10/2011, hộ bà Đoàn Thị Ngọ đã trả nợ số tiền 4.000.000 đồng, đến nay dư nợ còn 14.200.000 đồng.
Theo Điểm 3 Điều 5 Chương II Quy chế xử lý rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì trường hợp khách hàng là cá nhân vay vốn, học sinh, sinh viên hoặc người đi lao động tại nước ngoài vay vốn thông qua hộ gia đình: bị mất năng lực hành vi dân sự; người vay vốn ốm đau thường xuyên, mắc bệnh tâm thần, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không nơi nương tựa; chết; mất tích hoặc bị tuyên bố là chết, mất tích không còn tài sản để trả nợ, không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng.
Đối với trường hợp này sau khi Ngân hàng Chính sách xã hội đã áp dụng các biện pháp tận thu mọi nguồn vốn có khả năng thanh toán mà người vay vẫn không có khả năng trả nợ thì sẽ được xem xét xoá nợ.
Theo báo cáo của Phòng giao dịch huyện Yên Thế chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang, nơi bà Đoàn Thị Ngọ vay vốn, hiện nay hộ bà Ngọ cả 2 vợ chồng vẫn trong độ tuổi lao động, có tài sản, có thu nhập có điều kiện trả nợ, do đó hộ vay không thuộc đối tượng được xoá nợ.
Nếu đến hạn trả nợ cuối cùng gia đình bà Ngọ gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, và có giấy đề nghị xin gia hạn nợ thì được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ theo quy định.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân