In bài viết

Điều kiện hưởng chính sách về hưu trước tuổi

(Chinhphu.vn) - Đối tượng công tác ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn để được hưởng chính sách về hưu trước tuổi cần thuộc đối tượng tinh giản biên chế, có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu, có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

05/06/2023 08:02

Bà Nguyễn Thị Lượng (Kon Tum) được biết, theo Nghị định số 143/2020/NĐ-CP, đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH, còn được hưởng các chế độ sau: Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động; được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp ½ (một phần hai) tháng tiền lương.

Bà Lượng hỏi, bà công tác tại vùng đặc biệt khó khăn 15 năm 4 tháng, khi tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP thì bà có được hưởng chính sách như quy định trên không?

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, đối với đối tượng công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để được hưởng chính sách về hưu trước tuổi cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (được sửa đổi, bổ sung theo các quy định tại Nghị định số 143/2020/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP);

b) Có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động;

c) Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Tuy nhiên, đối với trường hợp tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động thì ngoài được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH, còn được hưởng các chế độ như: Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động; được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH, từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp ½ (một phần hai) tháng tiền lương.

Còn đối với trường hợp tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động thì chỉ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Vì vậy, đề nghị bà Nguyễn Thị Lượng căn cứ vào các quy định và hướng dẫn nêu trên để tự xác định mình thuộc trường hợp được hưởng chính sách tinh giản biên chế hay không, từ đó báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chinhphu.vn