In bài viết

Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

(Chinhphu.vn) - Bà Nghiêm Thu Hằng ( nghiem.hang@ ...) hỏi: Anh trai tôi năm nay 46 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội được 26 năm, nay do sức khỏe không tốt xin nghỉ hưu sớm, vậy chế độ hưu trí được tính như thế nào? Anh trai tôi làm công nhân điện lực có được tính là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không?

08/05/2012 15:07

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Hằng như sau:

Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động được quy định tại Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và hướng dẫn tại Điều 27, Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ như sau:

Người lao động đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với mức lương hưu của người đủ điều kiện (quy định tại Điều 50 Luật BHXH và Điều 26 Nghị định này) khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên;

- Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời.

Công việc nặng nhọc, nguy hiểm ngành Điện lực

Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo các Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995, Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996, Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996, Quyết định số 190/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 3/3/1999, Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 26/12/2000 và Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/9/2003.

Đối với ngành điện lực các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nêu cụ thể ở 2 văn bản sau:

- Tại Mục VII, Danh mục tạm thời nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và ban hành kèm theo Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995 gồm các nghề và công việc như vận hành lò nhà máy nhiệt điện; sửa chữa, bảo tồn lò nhà máy nhiệt điện; vận hành băng tải than dưới nhà hầm, nhà máy nhiệt điện; vận hành điện, vận hành máy trong hang hầm nhà máy thủy điện; sửa chữa thiết bị thủy lực, thiết bị chính máy điện nhà máy điện; sửa chữa cáp thông tin, cáp lực trong hang hầm; cạo rỉ, sơn trong thùng kín trong hang hầm; phun cát tẩy rỉ, sơn trong hang hầm; khoan phun bê tông trong hang hầm.

- Tại Mục C, Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/9/2003 gồm các nghề, công việc như kiểm tra kim loại bằng quang phổ và siêu âm trong các nhà máy điện; vận hành bao hơi nhà máy nhiệt điện; sửa chữa thiết bị cơ khí thuỷ lực cửa nhận nước, cửa đập tràn; sửa chữa máy bơm nước nhà máy thuỷ điện; vận hành, sửa chữa cầu trục trong hầm máy phát điện; vận hành, sửa chữa hệ thống thông gió trong hầm nhà máy thuỷ điện; quản lý, vận hành đường dây và trạm biến áp 500KV; công nhân sửa chữa đường dây cao thế đang mang điện; hiệu chỉnh lò hơi nhà máy nhiệt điện; vận hành máy nghiền than trong nhà máy nhiệt điện; vận hành băng tải, xúc và gom than trong nhà máy nhiệt điện; vận hành máy bơm dầu đốt lò nhà máy nhiệt điện (vận hành nhà dầu); vận hành hệ thống thải xỉ nhà máy nhiệt điện (bơm thải xỉ, khử bụi, tống tưới...); kiểm nhiệt (trực chính, trực phụ) trong nhà máy nhiệt điện; sửa chữa các thiết bị điện trong nhà máy điện; lái quang lật toa than; móc nối toa xe than trong nhà máy nhiệt điện; công nhân xúc xỉ đuôi lò nhà máy nhiệt điện; vận hành tua bin khí; hàn và mài cánh hướng nước, cánh tua bin nhà máy thuỷ điện; quản lý, vận hành đường dây từ 110KV đến dưới 500KV; vệ sinh công nghiệp trạm biến áp 500 KVA; sản xuất hòm công tơ vật liệu Composit; sửa chữa, sấy máy biến áp có công suất từ 200 KVA trở lên; vận hành máy bện cáp nhôm; vận hành máy đúc cột điện bê tông ly tâm; sản xuất vật liệu cách điện.

Về việc bà Nghiêm Thu Hằng hỏi, do thông tin bà Hằng cung cấp chưa đầy đủ về thời gian, nghề, công việc cụ thể mà anh trai bà Hằng đã làm trong ngành Điện lực. Vì vậy, đề nghị bà Hằng đối chiếu thực tế quá trình công tác, làm việc đóng BHXH của anh bà với các quy định để tham khảo.

Trường hợp nếu anh trai bà Hằng có thời gian công tác 15 năm trở lên với nghề và công việc có trong  Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của ngành Điện lực nêu trên, mà sức khỏe yếu, sau khi giám định có mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, thì được nghỉ hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện về tuổi đời.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.