Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo Khoản 1 Điều 55 Luật BHXH, người lao động (quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này) khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Từ ngày 1/1/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
Theo Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm (Loại VI, V) và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Loại IV) ban hành kèm theo Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/9/2003 của Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (có hiệu lực từ ngày 10/10/2003, tình trạng còn hiệu lực), thì các nghề, công việc nêu tại Mục 7, Mục 8 Điều kiện lao động loại V là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, gồm: Công việc quản lý, vận hành đường dây và trạm biến áp 500 KV, có điều kiện công việc nặng nhọc, thường xuyên lưu động theo đường dây qua các vùng địa hình, khí hậu phức tạp; tiếp xúc với điện từ trường cao, nguy hiểm. Công nhân sửa chữa đường dây cao thế đang mang điện, là công việc nguy hiểm, thường xuyên làm việc trên cao, căng thẳng thần kinh tâm lý.
Trường hợp ông Huỳnh Ngọc Sương, sinh ngày 1/1/1966, đến ngày 1/1/2018 ông Sương đủ 52 tuổi, có 35 năm đóng BHXH, là công nhân quản lý sửa chữa đường dây và trạm biến áp thuộc ngành điện. Nếu trong năm 2018, mà ông Sương bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Và ông đã có đủ 15 năm trở lên làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm gồm: Công việc quản lý, vận hành đường dây và trạm biến áp 500 KV; hoặc công nhân sửa chữa đường dây cao thế đang mang điện, nêu tại Mục 7, Mục 8 Điều kiện lao động loại V, thuộc Bảng C nghề điện trong Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm (Loại VI, V) và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Loại IV) ban hành kèm theo Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH, thì ông Sương đủ điều kiện được nghỉ việc hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội.
Nếu trong năm 2018, ông Sương không có đủ 15 năm trở lên làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Loại VI, V) thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, thì cho dù ông bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%, ông cũng không đủ điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản a, Điều 1 Điều 55 Luật này, do năm 2018 ông Sương mới đủ 52 tuổi, trong khi quy định phải đủ 53 tuổi.
Nếu trong năm 2018, trường hợp ông Sương không có đủ 15 năm trở lên làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Loại VI, V) thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ đủ 81% trở lên, thì ông đủ điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản b, Điều 1 Điều 55 Luật này.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.