Ảnh minh họa |
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Nguyệt hỏi như sau:
Theo quy định tại Điều 15 và Điều 23 của Bộ luật Lao động hiện hành: Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Một số nội dung chủ yếu HĐLĐ gồm: Công việc và địa điểm làm việc; Thời hạn của hợp đồng lao động; Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; Chế độ nâng bậc, nâng lương…
Trung tâm hướng nghiệp huyện và bà Phạm Thị Ánh Nguyệt đã ký HĐLĐ theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ về việc thực hiện một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
HĐLĐ mà bà Nguyệt đã ký có nội dung: Việc làm là nhân viên thừa hành phục vụ; Tiền lương xếp theo ngạch lương, thang lương, bảng lương nhân viên thừa hành phục vụ trong đơn vị sự nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.
Trường hợp của bà Nguyệt, trong thời gian làm việc tại đơn vị, bà Nguyệt đi học liên thông từ trình độ trung cấp lên đại học, sau khi tốt nghiệp đại học, nếu đơn vị có nhu cầu sử dụng và đồng ý bố trí vào vị trí việc làm phù hợp với trình độ đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ mới, thì hai bên thỏa thuận ký kết phụ lục bổ sung HĐLĐ đã ký, hoặc ký lại HĐLĐ với nội dung việc làm mới, hưởng lương ở ngạch lương mới tương ứng với trình độ đào tạo mới, việc làm mới.
Nếu đơn vị không có nhu cầu sử dụng, không bố trí được vị trí việc làm phù hợp với trình độ đào tạo mới, thì bà Nguyệt có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện HĐLĐ có nội dung việc làm, tiền lương đã ký trước đây.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.