Bộ Công Thương trả lời vấn đề này như sau:
Tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu quy định: "Xăng dầu là tên chung để chỉ các sản phẩm của quá trình công nghệ chưng cất, chế biến dầu thô, chất thải và các nguyên vật liệu khác để tạo ra các sản phẩm dùng làm nhiên liệu, bao gồm: xăng, nhiên liệu điêzen, dầu hỏa, dầu madút, nhiên liệu hàng không, nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu, không bao gồm các loại khí hóa lỏng và khí nén thiên nhiên".
Về nhập khẩu dầu thô: Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu: "Được quyền nhập khẩu hoặc mua trong nước để pha chế xăng dầu, thông báo cho cơ quan hải quan làm thủ tục và kiểm soát việc nhập khẩu nguyên liệu của thương nhân" quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu.
Về chế biến dầu thô: Tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định về pha chế xăng dầu: "Chỉ thương nhân đầu mối được pha chế xăng dầu; pha chế xăng dầu được thực hiện tại nơi sản xuất, xưởng pha chế hoặc kho xăng dầu phục vụ cho nhu cầu xăng dầu nội địa của thương nhân đầu mối."
Trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu dầu thô về chế biến rồi bán lại như nêu trên, đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu các điều kiện được quy định cụ thể tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của 2 Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu, để Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối xăng dầu.
Chinhphu.vn