In bài viết

Điều kiện lao động tự do tại Bắc Giang được nhận hỗ trợ

(Chinhphu.vn) – Bà Nguyễn Thị Thanh (Bắc Giang) mở cửa hàng bán quần áo tự do (không đăng ký hộ kinh doanh). Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bà phải đóng cửa nhưng không được miễn tiền thuê mặt bằng. Gia đình bà còn có con nhỏ. Bà Thanh hỏi, bà có được hưởng hỗ trợ không?

09/08/2021 14:02

Bà Thanh đã làm đề nghị gửi UBND xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang nhưng bị từ chối với lý do không đăng ký hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, theo bà tìm hiểu Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 17/7/2021 của Chính phủ thì có hỗ trợ cho lao động tự do (không đăng ký hộ kinh doanh), số tiền được hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang trả lời vấn đề này như sau:

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về việc hỗ trợ cho lao động tự do, ngày 17/7/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 722/QĐ-UBND về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang theo quy định tại Điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ. Quyết định này đã được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tại Quyết định số 722/QĐ-UBND quy định: Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thuộc các hộ gia đình phi nông nghiệp được hỗ trợ 1.500.000 đồng/người khi có đủ các điều kiện sau:

- Mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021, không có nguồn thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1.500.000 đồng/tháng với khu vực nông thôn và 2.000.000 đồng/tháng đối với khu vực thành thị (mức chuẩn nghèo của quốc gia giai đoạn 2021 - 2025), gặp khó khăn trong cuộc sống.

- Làm một trong những công việc sau:

Thu gom phế liệu; bốc vác (tại chợ, bến xe, bến cảng); vận chuyển hàng hóa (chuyển hàng hoá bằng xe thô sơ, xe mô tô 2 bánh, xe xích lô, xe ba gác, xe đẩy tại các chợ đầu mối, các ga đường sắt, cảng sông); lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm); bán lẻ xổ số lưu động; thợ xây, phụ hồ.

Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống (nhà hàng, quán ăn; quán rượu, bia, quầy bar; quán cà phê, giải khát), cơ sở làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, sơn sửa móng tay).

Ngoài các đối tượng quy định nêu trên, UBND cấp huyện chủ động hỗ trợ cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trên địa bàn quản lý theo chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trao đổi để bà Thanh được rõ chính sách hỗ trợ cho lao động tự do của tỉnh.

Đề nghị bà và em gái bà xem xét, nếu thấy bản thân đủ điều kiện được hỗ trợ quy định tại Quyết định số 722/QĐ-UBND thì làm đơn đề nghị hỗ trợ (theo mẫu quy định tại Quyết định số 722/QĐ-UBND) và nộp cho UBND xã Ngọc Lý để xem xét, giải quyết. 

Chinhphu.vn