Vừa qua, ông Bình đã phát hiện và bắt quả tang thủ phạm một vụ trộm xe máy trị giá 100 triệu đồng. Ông Bình mong muốn được miễn chấp hành hình phạt để thoát khỏi mặc cảm, yên tâm hoàn lương, nên muốn biết điều kiện và thủ tục xin miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Bình như sau:
Ngày 16/8/2012, liên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền đề nghị, quyết định giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại cho người phải chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế.
Điều kiện, thủ tục đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Thông tư này, trong đó có quy định trường hợp người bị Tòa án nhân dân tuyên án phạt, đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tại nơi cư trú như sau:
Người bị phạt cải tạo không giam giữ có thể được Tòa án cấp huyện quyết định miễn chấp hành án phạt khi có các điều kiện sau đây:
- Đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
- Không còn nguy hiểm cho xã hội.
Nội dung các điều kiện nêu trên được giải thích rõ tại khoản 3, khoản 4, khoản 6 Điều 3 Thông tư này như sau:
Lập công lớn là trường hợp người chấp hành án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản (có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên) của nhà nước, tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng hoặc xác nhận.
Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp người chấp hành án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội là trường hợp người bị kết án đã hoàn lương, chấp hành đúng quy định pháp luật, chăm chỉ lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào thi đua của địa phương, tự giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quyết định của bản án.
Thủ tục đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
Trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ đã có quyết định thi hành án, nhưng chưa chấp hành án mà có các điều kiện theo quy định trên, thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú hoặc làm việc tự mình, hoặc theo đề nghị của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, lập hồ sơ đề nghị Toà án cùng cấp xét miễn chấp hành án.
Trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ đang chấp hành án nếu có đủ các điều kiện quy định và có đơn xin miễn chấp hành án thì Trưởng Công an cấp xã có nhiệm vụ giúp UBND cấp xã tổ chức cuộc họp và đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cư trú hoặc làm việc xem xét, đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cho họ.
Cuộc họp xét, đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của UBND cấp xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì với thành phần tham gia gồm: Đại diện Mặt trận Tổ quốc, Công an, Tư pháp cấp xã và sự có mặt của người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án.
Hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ bao gồm:
- Bản sao bản án đã có hiệu lực pháp luật;
- Đơn xin miễn chấp hành án của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định pháp luật;
- Văn bản đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của UBND cấp xã;
- Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp lập công (nếu có);
- Văn bản kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về tình trạng bệnh tật đối với trường hợp bị bệnh hiểm nghèo (nếu có).
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của UBND cấp xã, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm xem xét, đề nghị bằng văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị của UBND cấp xã gửi Viện kiểm sát cấp huyện để xem xét, đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự, Viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xem xét, quyết định.
Cụ thể trường hợp ông Đỗ Thế Bình bị Tòa án tuyên án phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ, đang chấp hành án tại nơi cư trú: Nếu sự việc đúng như ông Bình trình bày, thì ông có điều kiện phù hợp với quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC, để được xem xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Ông cần làm đơn gửi Trưởng Công an thị trấn. Trưởng Công an thị trấn có nhiệm vụ giúp UBND thị trấn tổ chức cuộc họp và đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện nơi ông Bình cư trú xem xét, lập hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân huyện xem xét, chuyển hồ sơ đến Tòa án nhân dân huyện giải quyết.
Tòa án nhân dân huyện thành lập Hội đồng xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, phân công thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, ấn định ngày mở phiên họp Hội đồng xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Phiên họp gồm 3 thẩm phán, có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện, Hội đồng sẽ căn cứ vào điều kiện miễn chấp hành án và hồ sơ đề nghị, có thể ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ đối với ông Bình.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.