In bài viết

Điều kiện rút ngắn thời gian thử thách của án treo

(Chinhphu.vn) – Chồng bà Lý Linh Chi (TP. Hải Phòng) phạm tội và bị tòa án nhân dân (TAND) huyện tuyên phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng. Chồng bà Chi đã chấp hành xong thời gian án treo 30 tháng.

14/02/2013 08:40

Tuy nhiên hiện nay chồng bà đang bị mắc bệnh lao nặng độ 4 kháng thuốc. Bà Chi hỏi, chồng bà có thể xin rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Chi hỏi như sau:

Nhằm khuyến khích người được hưởng án treo tự giác phấn  đấu, tích cực học tập, lao động, chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định thi hành án và nghĩa vụ của người hưởng án treo; để bảo đảm chính sách khoan hồng, nhân đạo và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được hưởng án treo, ngày 14/8/2012, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư Liên tịch số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách

Điều 4 Thông tư nêu trên quy định, người được hưởng án treo có thể được TAND cấp huyện quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện sau:

- Đã chấp hành được ½ (một phần hai) thời gian thử thách của án treo;

- Có nhiều tiến bộ, được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ  của người được hưởng án treo; chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế nơi làm việc; tích cực lao động, học tập và sửa chữa lỗi lầm; thực hiện đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ khác theo quyết định của bản án;

- Được UBND cấp xã được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử  thách bằng văn bản.

Người được hưởng án treo một năm chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ một tháng đến một năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử  thách là ¾ (ba phần tư) thời gian thử thách Tòa án đã tuyên.

Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện nêu trên, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.

Thẩm quyền đề nghị rút ngắn thời gian thử  thách

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, khi người được hưởng án treo có đủ điều kiện nêu trên, Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm giúp UBND cấp xã tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách cho người được hưởng án treo.

Cuộc họp  xét, đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách cho người được hưởng án treo của UBND cấp xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì với thành phần tham gia gồm đại diện lãnh đạo Công an, Mặt trận tổ quốc, Tư pháp cấp xã, người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.

Hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách

Hồ sơ đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử  thách của UBND cấp xã gồm có:

- Bản sao bản án. Đối với trường hợp xét rút ngắn thời gian thử thách từ lần thứ hai trở đi thì bản sao bản án được thay bằng bản sao quyết định thi hành án treo;

- Văn bản đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách của UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo (trong đó phải ghi rõ họ, tên, năm sinh, nơi cư trú của người được hưởng án treo; tội danh, thời hạn phạt tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách; số bản án hình sự, số quyết định thi hành án hình phạt tù cho hưởng án treo; thời gian thử thách đã chấp hành, thời gian thử thách còn lại; tóm tắt quá trình phạm tội của người được hưởng án treo, mối quan hệ gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con), nhận xét của UBND cấp xã về việc chấp hành nghĩa vụ của người được hưởng án treo; đề nghị mức rút ngắn thời gian thử thách);

- Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người được hưởng án treo lập công (nếu người được hưởng án treo đã được khen thưởng hoặc lập công);

- Kết luận của bệnh viện cấp tỉnh  trở lên về tình trạng bệnh tật (nếu người được hưởng án treo bị mắc bệnh hiểm nghèo);

- Đơn xin rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo (nếu họ có đơn đề nghị);

- Bản sao quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo (nếu đã được rút ngắn thời gian thử thách của án treo).

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách của UBND cấp xã thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, phải lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của cơ quan thi hành án và chuyển hồ sơ, văn bản đề nghị cho Tòa án cấp huyện nơi người được hưởng án treo cư trú xem xét, quyết định.

Về việc rút ngắn thời gian thử  thách đối với người bị bệnh

Trường hợp chồng bà Lý Linh Chi bị Tòa án nhân dân huyện tuyên phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng. Theo tiểu mục 6.5 Mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo.

Như vậy, vào thời điểm chồng bà Chi chấp hành xong mức án phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cũng là thời điểm chồng bà đã thực hiện được trên ½ thời gian thử thách án treo.

Nếu trong thời gian đó, chồng bà Chi chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động, học tập và sửa chữa lỗi lầm; thực hiện đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ khác theo quyết định của bản án, nay mắc bệnh lao độ 4 kháng thuốc, có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên là đang mắc bệnh hiểm nghèo, thì chồng bà Chi có thể làm đơn gửi UBND cấp xã được giao giám sát giáo dục chồng bà, đề nghị lập hồ sơ rút ngắn hết thời gian 18 tháng thử thách còn lại theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC.

Thẩm quyền xét quyết định rút ngắn thời gian thử thách thuộc TAND cấp huyện nơi chồng bà Chi cư trú.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá  trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.