Công ty của bà Hà đã nghiên cứu và sản xuất dòng sản phẩm men tiêu hóa và sữa tắm dành cho chim cảnh, trong đó sản phẩm men tiêu hóa với thành phần chính là các lợi khuẩn Bacillus subtilis, Lactobacillus sporogene sẽ được bổ sung, phối trộn với các sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (cám) nhằm giúp bổ sung các lợi khuẩn có lợi cho tiêu hoá cho chim cảnh và sản phẩm sữa tắm dành cho chim cảnh nhằm mục đích làm sạch bộ lông, giúp chim có bộ lông sạch, mượt hơn.
Hiện nay, đối với lĩnh vực sản xuất thức ăn cho chim cảnh có khung pháp lý điều chỉnh theo QCVN 01-190:2020/BNNPTNT, tuy nhiên sản phẩm men tiêu hóa và sữa tắm cho chim cảnh của công ty là hai dòng sản phẩm mới trên thị trường, công ty chưa tìm hiểu để phân loại và không nắm được các quy định của pháp luật để đưa sản phẩm ra thị trường.
Bà Hà đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn về cơ sở pháp lý và phân loại đối với hai sản phẩm men tiêu hoá, sữa tắm cho chim cảnh để công ty triển khai sản xuất, đăng ký lưu thông.
Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Thông tin của bà cung cấp chưa có cơ sở để xác định loại sản phẩm men tiêu hoá và sữa tắm dành cho chim cảnh là thuốc thú y hay không phải là thuốc thú y.
Theo quy định tại khoản 21 Điều 3 Luật Thú y năm 2015: "Thuốc thú y là đơn chất hoặc hỗn hợp các chất bao gồm dược phẩm, vắc-xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất được phê duyệt dùng cho động vật nhằm phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều chỉnh, phục hồi chức năng sinh trưởng, sinh sản của động vật".
Để được phép lưu hành, sử dụng thuốc thú y tại Việt Nam, công ty đăng ký lưu hành phải đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y và tiến hành thủ tục đăng ký lưu hành thuốc thú y theo quy định tại Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý thuốc thú y.
Chinhphu.vn