In bài viết

Điều kiện thời tiết thủy văn tháng 2 năm 2012 ở Kon Tum

Ảnh minh họa: V.Phương.

31/01/2012 10:00

Quy luật thời tiết

Tháng 2, thuộc thời giữa mùa khô ở Kon Tum. Thời tiết trong Tỉnh chịu tác động chủ yếu của áp cao lạnh lục địa ở phía Bắc, đến cuối tháng có sự tác động yếu của áp thấp nóng phía Tây hoạt động phát triển mở rộng sang phía Đông, đồng thời cũng là thời kỳ hoạt động biểu kiến của Mặt Trời dịch dần lên phía Bắc bán cầu làm tăng góc chiếu sáng nên các khu vực trong Tỉnh nhận được nguồn năng lượng ánh sáng Mặt Trời nhiều hơn các tháng đầu mùa khô. Do đó, phần lớn thời gian ban ngày Trời nắng; ban đêm ít mây, Trời lạnh, vùng núi cao phía Đông bắc Tỉnh (huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông) đêm và sáng sớm Trời rét; trưa, chiều nhiệt độ tăng nhanh và thời tiết có thể trở nên oi bức, các vùng trũng thấp, vùng sườn núi khuất gió có một số ngày trong thời kỳ cuối tháng xảy ra nắng nóng. Ở những vùng có độ cao dưới 800m, nhiệt độ trung bình ngày dao động từ 22 - 25 0 C cao nhất từ 30 - 32 0 C; thấp nhất từ 16 - 20 0 C. Những vùng có độ cao trên 800m như vùng núi phía Đông, Đông Bắc Tỉnh, nhiệt độ trung bình ngày dao động từ 18 - 22 0 C cao nhất từ 26 - 29 0 C; thấp nhất từ 13 - 16 0 C. Nhìn chung, nhiệt độ trong tháng 2 có xu thế tăng dần theo thời gian và giảm dần theo độ cao.

Do là thời kỳ chịu chi phối chủ yếu của không khí lạnh nên trong tháng 2 thời tiết các khu vực trong Tỉnh vẫn chủ yếu là hanh, khô, ít mưa và thường xuyên có gió Đông Bắc thổi mạnh; độ ẩm không khí giảm thấp, có ngày độ ẩm không khí thấp nhất tuyệt đối ở một số nơi xuống dưới 25% khiến cho thời tiết trở nên rất khô. Nắng nhiều và độ ẩm thấp làm cho lượng bốc hơi tăng vọt, trung bình đạt từ 110 - 160mm, gần với mức cao nhất trong năm.
Tháng 2 bước sang thời kỳ cạn kiệt của các sông, suối nhưng chưa phải là thời kỳ cạn kiệt nhất của mùa cạn. Mực nước và lượng nước trên các sông, suối phổ biến trong các năm giảm xuống mức cạn kiệt và chỉ còn khả năng cung cấp nước ở mức hạn chế; một số suối nhỏ có thể trở nên cạn kiệt hoàn toàn.
Nhận định xu thế thời tiết, thủy văn tháng 2/2012
Tháng 02 năm nay, Diễn biến thời tiết thủy văn ở Kon Tum được nhận định là có nhiều biến động theo xu thế phù hợp với quy luật nhiều năm. Hầu hết các yếu tố thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm, số giờ nắng và lượng mưa có khả năng đạt mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Trong tháng, thời tiết ở Kon Tum sẽ chịu sự chi phối chủ yếu của áp cao lạnh lục địa, có sự biến tính trong thời kỳ cuối tháng. Thời kỳ đầu tháng ở các vùng núi cao phía Đông - Đông Bắc Tỉnh có ngày có mưa nhỏ, mưa phùn và có sương mù, Trời rét. Đến giữa và cuối tháng ở các vùng trũng, thấp nắng nóng tăng dần và có khả năng xảy ra một vài trận mưa dông. Theo đó: Khu vực các huyện Kon Plông, Tu Mơ rông, bắc Đăk Glei: Nhiệt độ trung bình 18,0 - 20,0 0 C, thấp nhất 13,0 - 16,0 0 C, cao nhất 26,0 - 28,0 0 C; lượng mưa khả năng đạt từ 15 - 20mm; Khu vực Kon Rẫy, Đăk Hà, Đăk Tô: nhiệt độ trung bình 22,0 - 24,0 0 C, thấp nhất 15,0 - 18,0 0 C, cao nhất 29,0 - 31,0 0 C; lượng mưa khả năng đạt từ 10,0 - 20,0 mm; Các vùng còn lại và TP Kon Tum nhiệt độ trung bình 23,0 - 25,0 0 C, thấp nhất 16,0 - 18,0 0 C, cao nhất 30,0 - 32,0 0 C; lượng mưa khả năng đạt từ 10,0 - 20,0mm.
Chịu tác động trực tiếp của thời tiết, các yếu tố thủy văn như mực nước, lượng dòng chảy và lượng nước ở các hồ đập có xu thế chung là giảm dần theo thời gian. Do được thừa hưởng lượng nước khá phong phú từ mùa mưa năm 2011 nên hiện tại, lượng nước trên các sông suối, ao hồ ở Kon Tum đang duy trì ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 5 – 15%. Nếu sử dụng nước hợp lý và tiết kiệm thì ít có khả năng xảy ra khan hiếm nguồn nước trong tháng 2 này.
Khuyến cáo
Năm 2012 là năm nhuận (hai tháng tư âm lịch) và đang có hoạt động của hiện tượng La Nina nên trong thời gian giữa và cuối mùa khô này thời tiết sẽ có biến động nhiều hơn với những thuận lợi và cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn, trở ngại.
Điểm thuận lợi trong diễn biến thời tiết, thủy văn tháng 2 năm nay là sự ôn hòa của các yếu tố thời tiết và lượng nước còn tương đối phong phú. Mưa trái mùa cũng có khả năng xuất hiện nhiều hơn làm giảm bới mức độ khô hanh. Điều này sẽ giúp cho sản xuất cũng như sinh hoạt của nhân dân trong Tỉnh bớt khó khăn hơn so với những mùa khô trước. Để khai thác điểm thuận lợi này, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, tích cực chăm bón cho cây trồng; tăng cường các biện pháp chống thất thoát và sử dụng hiệu quả nguồn nước nhằm góp phần hạn chế mức độ khó khăn thiếu nước trong thời gian tiếp theo của mùa khô.
Trong tháng 2, các đợt không khí lạnh tăng cường tiếp tục gây ra gió mạnh và nhiệt độ hạ thấp có thể ảnh hưởng xấu tới quá trình ra hoa, làm quả của các loại cây trồng phổ biến như cà phê, lúa, ngô,...; sự chuyển biến chậm trong chế độ mùa của thời tiết có khả năng kéo dài hơn bình thường thời kỳ khô nhất của mùa khô, làm chậm quá trình sinh trưởng theo chu kỳ tự nhiên của cây trồng, làm thay đổi cơ cấu mùa vụ dẫn đến giảm năng xuất, sản lượng. Khô hanh kéo dài cũng làm cho nguy cơ cháy rừng ở mức nguy hiểm hơn, làm cho sông suối, ao hồ cạn kiệt trong khi nhu cầu dùng nước lại tăng nên mức chi phí cho sản xuất cũng phải tăng theo. Mưa trái mùa xuất hiện nhưng thường có lượng không lớn và diện hẹp nên về cơ bản không thể giải tỏa được cơn khát của mùa khô, ngoài ra trong các trận mưa dông còn có thể xuất hiện dông sét, mưa đá, lốc xoáy nguy hiểm. Do vậy, rất cần có sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự phối hợp hành động của các ngành và đặc biệt là ý thức của mỗi người dân để hạn chế những yếu tố cực đoan nêu trên. Nêu cao ý thức phòng chống cháy rừng, không đốt nương dãy bừa bãi; nỗ lực chống hạn; thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe, sử dụng nước đảm bảo vệ sinh để sinh hoạt; tích cực diệt côn trùng, ăn chín, uống sôi, nằm màn, làm vệ sinh thôn làng, khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát nước ở các đô thị và hạn chế tối đa việc nghỉ đêm tại nương dãy là việc làm cần thiết để bảo sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng.
KS. Nguyễn Văn Huy
Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum