In bài viết

Điều kiện thuê lại lao động nước ngoài

(Chinhphu.vn) - Ông Đào Xuân Hoàng (Thanh Hóa) muốn thuê lại lao động nước ngoài về làm giáo viên dạy Yoga, nhưng theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP thì Yoga không thuộc 20 ngành nghề cho thuê lao động.

09/07/2024 07:02

Ông Hoàng hỏi, công ty cho ông thuê lại lao động như trên có đúng không? Hợp đồng ghi là dịch vụ đào tạo có được không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, có tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người lao động, sau đó chuyển người lao động sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp đã giao kết hợp đồng lao động (sau đây gọi là doanh nghiệp cho thuê lại). Như vậy, doanh nghiệp cho thuê lại phải đáp ứng các điều kiện về cho thuê lại lao động.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 152 Bộ luật Lao động và Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động và đề nghị cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 156 của Bộ luật Lao động trường hợp lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động làm việc tại một công ty nhưng làm việc không đúng địa điểm ghi trong giấy phép lao động đã được cấp thì giấy phép lao động đã được cấp hết hiệu lực.

Chinhphu.vn