In bài viết

Điều kiện tuyển dụng công chức không qua thi tuyển

(Chinhphu.vn) - Theo phản ánh của ông Nguyễn Ly, ông được UBND huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum ký HĐLĐ và làm việc tại Phòng Tư pháp của huyện từ năm 2005 đến nay, năm 2013 ông đã tốt nghiệp Đại học Luật. Vừa qua, Sở Nội vụ tỉnh có văn bản hướng dẫn tuyển dụng công chức không qua thi tuyển nhưng ông Ly không được thông báo làm hồ sơ.

16/04/2014 14:20
Ảnh minh hoạ

Ông Ly muốn được biết, ông có thuộc đối tượng được tuyển dụng công chức không qua thi tuyển không? Trường hợp phải thi tuyển thì ông có được hưởng chính sách ưu tiên không?

Về vấn đề này, Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum trả lời ông Ly như sau:

Điều kiện tuyển dụng công chức không qua thi tuyển

Vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum, Sở Nội vụ có thông báo đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh về việc báo cáo nhu cầu tuyển dụng công chức là người dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học, cao đẳng, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển và tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển đối với những trường hợp đủ điều kiện.

Một trong các điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng được xem xét tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 19 Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và điểm b Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định 24/2010/NĐ-CP, là phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, hiện đang công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển, có thời hạn từ đủ 60 tháng trở lên làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo đại học, sau đại học trong ngành, lĩnh vực cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc và nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn).

Như vậy, theo quy định trên thì ông Nguyễn Ly mới tốt nghiệp đại học năm 2013, chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét, tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển.

Ưu tiên khi thi tuyển

Căn cứ Luật cán bộ, công chức năm 2010; Nghị định 24/2010/NĐ-CP; Thông tư 13/2010/TT-BNV, việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế của cơ quan sử dụng công chức.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, việc tuyển dụng công chức thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Việc xây dựng nhu cầu tuyển dụng công chức do UBND huyện Đăk Glei quyết định và đề xuất trình UBND tỉnh (căn cứ biên chế được UBND tỉnh giao, biên chế hiện có và nhu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện).

Việc ông Ly có được xét tuyển, thi tuyển hay không tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng và bố trí công chức của UBND huyện Đăk Glei, ông Ly có thể liên hệ trực tiếp với UBND huyện (Phòng Nội vụ) để được giải đáp. Về cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức, đối tượng cụ thể được quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 5 Nghị định 24/2010/NĐ-CP.

Chinhphu.vn