In bài viết

Điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn toàn quốc: Nhiệm vụ trước tiên

Trong nhiều nhiệm vụ phải tiến hành của "Chương trình 504" thì thực hiện dự án “Điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn toàn quốc” được coi là nhiệm vụ trước tiên, làm cơ sở cho thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ khác.

31/03/2013 14:33

Nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ khắc phục hậu quả ô nhiễm bom, mìn sau chiến tranh, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã chủ động phối hợp với Bộ LĐ-TB và XH xây dựng “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025” (gọi tắt là Chương trình 504).

Chương trình là cơ sở để huy động mạnh hơn các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom, mìn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu quốc gia do Chính phủ đề ra.

Trong nhiều nhiệm vụ phải tiến hành thì thực hiện dự án “Điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn toàn quốc” được coi là nhiệm vụ trước tiên, làm cơ sở cho thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ khác.

Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn Bomicen (Binh chủng Công binh) cùng Trung tâm Hành động khắc phục bom mìn Việt Nam (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) được giao thực hiện đề án này từ năm 2008, phấn đấu đến hết năm 2013 sẽ hoàn thành.

Đề án chia thành hai dự án thành phần: Điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên đất liền và điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ vùng ven biển, thềm lục địa và hải đảo. Cả hai dự án tiến hành đồng thời.

Trong những năm từ 2004 đến 2007, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Trung tâm CNXLBM) đã triển khai thực hiện giai đoạn 1 và 2 dự án “Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam” với sự hỗ trợ của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ VVAF. Giai đoạn này, dự án tiến hành tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Mạng bản đồ tại 5 tỉnh này đã hoàn thành, nên không thuộc các dự án triển khai giai đoạn 2008-2013.

Mục tiêu của đề án là điều tra, phỏng vấn các nhân chứng, kiểm tra thực địa và xác định tọa độ theo hệ định vị vệ tinh GPS, lập bản đồ các khu vực hiện còn bị ô nhiễm bom, mìn và các khu vực đã được rà phá hết bom, mìn.

Địa bàn thực hiện là 10.511 xã trên đất liền và toàn bộ vùng ven biển, thềm lục địa và hải đảo Tổ quốc. Cùng với điều tra, 1% diện tích được coi là bị ô nhiễm cao được khảo sát kỹ thuật nhằm xác định rõ tính chất, mức độ và thực trạng ô nhiễm bom mìn, từ đó nâng cao độ chính xác của bản đồ để có giải pháp xử lý phù hợp.

Theo các tài liệu nghiên cứu, tỷ lệ bom, đạn chưa nổ ở nước ta chiếm khoảng 5% số lượng bom, đạn Mỹ đã sử dụng đánh phá (có tài liệu nước ngoài đánh giá còn khoảng 10%). Số lượng bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh bao gồm cả bom, mìn, tên lửa, đầu đạn pháo, cối và các loại vật nổ khác... nằm ở các độ sâu khác nhau. Theo thống kê, số lượng bom, mìn, vật nổ còn sót sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn. Toàn quốc có 9.284/10.511 xã đang bị ô nhiễm bom, mìn. Tổng diện tích ô nhiễm là 6,6 triệu ha, chiếm 21,12% diện tích cả nước.

Về công nghệ bản đồ, nhiều năm qua Cục Bản đồ (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) đã nỗ lực rất cao, đã đạt được những thành công đáng kể trong công nghệ số hóa bản đồ. Từ khâu chụp ảnh địa hình, định vị chính xác, đến biên vẽ, in ấn, ra thành phẩm…công nghệ sản xuất bản đồ của Quân đội và Nhà nước ta đã đạt trình độ các nước tiên tiến. Kế thừa những kết quả đã đạt được, dựa trên những kiến thức được tập huấn về địa hình quân sự, đông đảo cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ thuộc BTL công binh, Trung tâm CNXLBM cùng Bộ chỉ huy quân sự các địa phương đã bền bỉ, sáng tạo, điều tra, công phu nghiên cứu, khảo sát. Tới nay hầu hết các tác nghiệp từ khảo sát, điều tra, nghiên cứu tư liệu, đến công tác định vị, thể hiện biên vẽ trên bản đồ tỷ lệ nhỏ, tỷ lệ lớn đều có kết quả đáng khích lệ.

Cho đến hết năm 2012 Chương trình 504 đã hoàn thành việc điều tra, lập bản đồ ô nhiễm  bom, mìn tại 49/63 tỉnh, thành.

Nhìn trên bản đồ Việt Nam, tại những vùng trọng điểm chiến tranh ác liệt, những ký hiệu dày đặc tại các xã, phường cho thấy di hại hậu quả của chiến tranh thật khủng khiếp. Không chỉ trên vùng rừng núi, biên giới, mà trên các con sông, khe suối, trong nội địa đều dày đặc ký hiệu của sự chết chóc.

Vùng cửa sông, ven biển và cả các đảo ven bờ, những ký hiệu thể hiện sự ô nhiễm bom mìn cũng không ít. Đó là những “thần chết” ẩn mình dưới nước, dưới bùn. Rà phá trên đất liền đã khó, rà phá trên kênh rạch, lòng sông, ven biển lại càng khó khăn hơn.

Trên bản đồ cũng cho ta thấy, ngay tại ven các khu công nghiệp, giữa thành phố cũng không phải đã hết ô nhiễm bom mìn… mới thấy sự nghiệp rà phá, bóc gỡ bom mìn của chiến sĩ công binh trong thời bình gian nan, bền bỉ, khó nhọc biết bao.

Nhiệm vụ “Điều tra, lập bản đồ bom, mìn toàn quốc” cho đến thời điểm này đã sắp bước vào giai đoạn hoàn thành.

Ngày 26/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, phát biểu tại cuộc họp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mặc dù chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả chiến tranh để lại còn hết sức nặng nề cho tới ngày nay.

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, song hàng năm đã chi hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả bom, mìn. Nhờ sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, sự hợp tác quý báu của bạn bè quốc tế, công tác khắc phục hậu quả của bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu năm 2013 cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa công tác khắc phục hậu quả bom, mìn, đặc biệt là đối với các địa bàn trọng điểm, trong đó có việc tiếp tục lập bản đồ bom, mìn toàn quốc tại 14 tỉnh còn lại.

Những chiến sĩ công binh, cụ thể là Trung tâm Bomicen và BCHQS các tỉnh đang chạy đua với thời gian, để nhiệm vụ có tính quyết định này sớm về đích đúng thời gian.

                                                                   Trần Văn