Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất quy định về điều trị ban ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học cổ truyền.
Cụ thể, theo dự thảo, việc chỉ định điều trị ban ngày do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quyết định và phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
1- Tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người bệnh phải điều trị nội trú nhưng không nhất thiết phải theo dõi, điều trị 24/24 giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
2- Thời gian theo dõi, điều trị ban ngày cho người bệnh tối thiểu 4 giờ/ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
3- Tình trạng bệnh lý của người bệnh có thể điều trị ngoại trú thì không áp dụng điều trị ban ngày.
Dự thảo nêu rõ, người bệnh điều trị ban ngày được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng hàng ngày hoặc theo lịch hẹn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và được hưởng chế độ điều trị nội trú, theo dõi và chăm sóc trong thời gian làm việc ban ngày. Các lần thăm khám hàng ngày trong thời gian điều trị không được tính tiền khám cho người bệnh.
Trường hợp bệnh diễn biến nặng, bất thường hoặc cần điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì chuyển người bệnh vào điều trị nội trú và ghi trong hồ sơ bệnh án về diễn biến bệnh, hồ sơ bệnh án của người bệnh được tiếp tục sử dụng. Ngày điều trị nội trú được tính từ thời điểm người bệnh được chuyển sang điều trị nội trú.
Trường hợp người bệnh đang điều trị nội trú chuyển ra điều trị ban ngày thì chuyển người bệnh ra điều trị ban ngày và ghi chỉ định điều trị ban ngày trong hồ sơ bệnh án về diễn biến bệnh, hồ sơ bệnh án của người bệnh được tiếp tục sử dụng.
Trường hợp người bệnh đang điều trị ban ngày chuyển điều trị ngoại trú thì trong hồ sơ bệnh án về diễn biến bệnh, hồ sơ bệnh án của người bệnh được tiếp tục sử dụng.
Thời gian xác định điều trị nội trú, điều trị ban ngày và điều trị ngoại trú được xác định thời điểm ghi trong hồ sơ bệnh án.
Theo dự thảo, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, quản lý hồ sơ bệnh án, chi phí khám bệnh, chữa bệnh điều trị ban ngày được thực hiện theo quy định đối với hình thức khám bệnh, chữa bệnh nội trú.
Dự thảo nêu rõ, giường điều trị ban ngày nằm trong tổng số giường kế hoạch điều trị nội trú hoặc tổng số giường thực kê của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Giường điều trị ban ngày có thể bố trí tại các Khoa lâm sàng hoặc tương đương trên cơ sở năng lực cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo nêu rõ, Hồ sơ bệnh án sử dụng trong điều trị ban ngày thực hiện theo mẫu bệnh án nội trú y học cổ truyền quy định tại Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và đóng dấu cụm từ "Điều trị ban ngày" vào góc trên, bên phải ở trang bìa.
Bìa hồ sơ bệnh án điều trị ban ngày y học cổ truyền và Phiếu vào viện phải đóng dấu cụm từ "Điều trị ban ngày".
Trường hợp người bệnh đang điều trị nội trú 24/24 giờ chuyển ra điều trị ban ngày ghi chỉ định điều trị ban ngày trong Tờ điều trị và đóng dấu cụm từ "Điều trị ban ngày" trên trang bìa bệnh án kể từ ngày có chỉ định điều trị ban ngày.
Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học cổ truyền sử dụng bệnh án điện tử thì sử dụng mẫu bệnh án điện tử được ban hành kèm theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo dự thảo, chi phí giường bệnh điều trị ban ngày thực hiện theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn