Ngày 4/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển cây mắc ca tại Việt Nam”. Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và tìm ra những giải pháp để bước đầu định hướng vùng, thị trường... cho cây mắc ca tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Jolyon Burnett - Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Australia cho biết, nhu cầu sử dụng hạt mắc ca trên thế giới khá lớn.
Về thị trường tiêu thụ mắc ca, 70% lượng mắc ca tách vỏ (mắc ca nhân) được tiêu thụ ở Mỹ, Đức, Australia, Nhật và Brazil. Ngoài ra, 90% lượng mắc ca chưa tách vỏ được tiêu thụ tại Trung Quốc.
Trước thị trường tiềm năng lớn như vậy, TS. Đinh Văn Đề (Viện Điều tra-Quy hoạch rừng, Bộ NN&PTNT) cho rằng Việt Nam có nhiều điều kiện để cung cấp một phần sản lượng mắc ca cho thị trường thế giới.
Khí hậu nhiệt đới có mùa đông lạnh, sương muối, khô, nhiệt độ trung bình từ 21-23 độ C ở Tây Bắc và khí hậu nhiệt đới với 2 mùa rõ rệt (mưa và khô), nhiệt độ trung bình từ 21-24 độ C, đất đỏ basalt tại Tây Nguyên là những điều kiện tự nhiên thuận lợi và thích hợp cho sự sinh trưởng của cây mắc ca.
Đồng thời, cần tiếp tục đánh giá về khả năng ra quả ổn định ở vùng Đông Bắc và Bắc Trung Bộ trước khi cho trồng. Trước mắt, ưu tiên phát triển trồng xen mắc ca với cà phê, chè, trồng trong vườn hộ. Nếu trồng tập trung, cần được đầu tư, chăm sóc như đối với các loại cây lấy quả khác.
Về công tác giống và quản lý giống, chỉ sử dụng cây ghép từ các giống đã được công nhận. Nghiêm cấm sử dụng cây từ hạt hoặc cây ghép không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Mỗi diện tích rừng trồng, vườn hộ cần sử dụng từ 3-5 giống khác nhau. Cần quản lý nguồn gốc, công suất vườn ươm thông qua việc đánh giá vườn cung cấp mắt ghép.
Về định hướng nghiên cứu lĩnh vực giống mắc ca, ngoài việc chú trọng đến tính thích ứng và sản lượng hạt, công tác này cần chú ý đến tính ổn định về sản lượng quả qua các năm, kích thước hạt, tỷ lệ nhân, các chỉ tiêu chất lượng, chống chịu sâu bệnh và các điều kiện bất lợi khác.
Quy hoạch vùng sử dụng giống và xác định các giống cho mật độ gây trồng khác nhau; tiếp tục nghiên cứu nhân giống sinh dưỡng theo hướng rút ngắn thời gian tạo cây giống; xây dựng cơ sở dữ liệu để phân biệt, nhận biết các dòng phục vụ công tác quản lý giống.
Đỗ Hương