In bài viết

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

(Chinhphu.vn) - Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính phủ đã có văn bản số 24 gửi các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương về định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

19/12/2024 09:06
Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 17/12/2024 - Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Theo đó, sắp xếp, tinh gọn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện tương đồng với sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước với các ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến các huyện. Đồng thời, thực hiện sắp xếp giảm đầu mối bên trong gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới.

Ban Chỉ đạo yêu cầu, quán triệt chủ trương, định hướng chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sắp xếp, đề xuất phương án kiện toàn tổ chức, bộ máy. Làm tốt công tác chính trị tư tưởng, kịp thời quan tâm giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền; bảo đảm việc sắp xếp không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đặc biệt các nhiệm vụ liên quan đến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Người đứng đầu Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về lộ trình kế hoạch và kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện của địa phương mình.

Cụ thể, với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo định hướng duy trì ba sở gồm: Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (hoặc Sở Văn hóa và thể thao đối với các địa phương duy trì sở du lịch); Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Hợp nhất Sở Kế hoạch và đầu tư với Sở Tài chính, dự kiến thành Sở Kinh tế - Tài chính, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của hai sở.

Hợp nhất Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng, dự kiến thành Sở Xây dựng và Giao thông, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của hai sở.

Hợp nhất sở tài nguyên và môi trường với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, dự kiến thành sở nông nghiệp và môi trường, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của hai sở.

Hợp nhất sở thông tin và truyền thông với sở khoa học và công nghệ, dự kiến thành sở khoa học, công nghệ và truyền thông, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của hai sở.

Hợp nhất sở lao động - thương binh và xã hội với Sở Nội vụ, dự kiến thành Sở Nội vụ và Lao động. Sở mới sẽ thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn định hướng, gợi ý sắp xếp, chuyển nhiệm vụ với ba sở khác tương ứng với sắp xếp các bộ ở trung ương.

Cụ thể, Sở Y tế tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu về bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội; quản lý sử dụng quỹ bảo trợ trẻ em từ Sở Lao động - thương binh và xã hội chuyển sang. Sở Y tế cũng tiếp nhận theo dõi, quản lý sức khỏe cán bộ của tỉnh (sau khi kết thúc hoạt động ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh).

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - thương binh và xã hội chuyển sang.

Sở công thương tiếp nhận nguyên trạng cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

Ban Chỉ đạo cũng định hướng sắp xếp một số sở đặc thù của TPHCM, TP. Hà Nội và một số địa phương như Sở Ngoại vụ, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Ban Dân tộc, Sở Du lịch, Sở An toàn thực phẩm. 

Ban Chỉ đạo yêu cầu đảm bảo tổng số sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 sở. Riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 15 sở.

Lê Sơn