Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế là một chủ trương lớn, quan trọng xuyên suốt từ Đại hội XI của Đảng. Dự thảo Văn kiện đánh giá mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng đã bước đầu có sự chuyển biến sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; đã hình thành những mô hình mới và cách làm mới, sáng tạo.
Với việc cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là trên một số lĩnh vực trọng tâm, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế có bước cải thiện; bảo đảm hài hoà hơn giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Dự thảo Văn kiện nêu rõ, những kết quả đạt được nêu trên chủ yếu là do Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân ta đã có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Trung ương phù hợp với tình hình mới.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng. Năng suất lao động chậm được cải thiện, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế còn thấp. Chưa phát huy được lợi thế so sánh và tận dụng các cam kết hội nhập quốc tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững.
Do đó, kế thừa những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Dự thảo Văn kiện chuẩn bị trình Đại hội XII của Đảng đã có những phát triển mới rõ rệt, nêu rõ hơn định hướng và giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Dự thảo văn kiện đã chỉ ra những định hướng quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững; giải quyết hài hoà giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Về nguồn lực tăng trưởng, đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông nghiệp.
Dự thảo Văn kiện cũng chỉ ra động lực và chính là điều kiện để đổi mới, đó là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D), nhập khẩu công nghệ mới; thực hiện phương thức quản lý, quản trị hiện đại; phát huy tiềm năng con người và khuyến khích tinh thần sản xuất kinh doanh của mọi người để chủ động khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị quốc gia và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng được nêu rõ trong Dự thảo Văn kiện.
Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng: Cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
T. Minh