Bến cảng Tân Vũ. Ảnh: VGP/Trọng Trí |
35 năm ấy, một ý tưởng…
Với tôi, ký ức về miền đất ấy vẫn còn tươi mới như lần đầu đặt chân đến đất Đình Vũ. Lúc ấy là mùa hè năm 1983, tôi, một phóng viên trẻ mới vào nghề góp mặt trong một đoàn nhà báo kinh tế về tìm hiểu “hiện tượng” Hải Phòng, lúc đó là địa phương năng động, mở cửa làm ăn với bên ngoài thuộc nhóm đầu tiên của cả nước.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng bấy giờ là ông Đoàn Duy Thành đích thân đưa chúng tôi đi thăm bán đảo Đình Vũ. Nhìn trên bản đồ, Đình Vũ là một dải đất nối từ Cảng Hải Phòng vươn ra biển, hoàn toàn hoang sơ, chỉ thấy bãi sú và đầm lầy, hai bên là sông nước, không có sự hiện diện của con người.
Tuy nhiên, Bí thư Hải Phòng lại bày tỏ kỳ vọng lớn vào bán đảo hoang vu này. Bởi vậy, lúc đó Hải Phòng đã triển khai dự án Khu kinh tế mới Đình Vũ và khởi đầu là một con đường nối từ Nam Hải, Tràng Cát xuyên suốt bán đảo Đình Vũ. Đi tận cùng tuyến đường rải đá thô sơ đó thì thấy biển xanh ngắt trước mặt và bến bờ bên kia là đảo Cát Hải, Cát Bà.
Nay, sau 35 năm, cũng đứng từ Đình Vũ, nhìn ra biển thấy Hải Phòng có sức vóc của một “người khổng lồ” đang làm cái việc dời non, lấp biển.
Cũng đứng từ Đình Vũ hôm nay mới thấy rõ những người lãnh đạo TP. Hải Phòng những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước có tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của Thành phố theo hướng công nghiệp-cảng biển-dịch vụ dựa vào tiềm năng của biển.
Đường vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện. Ảnh: VGP/Trọng Trí |
Đưa Hải Phòng ra khơi
Nhìn trên bản đồ thì Đình Vũ là một bán đảo, nhưng bây giờ, với những gì đã hiện diện thì Đình Vũ như mũi tàu (nói hình tượng) đang rẽ sóng, đưa Hải Phòng ra khơi.
Trong hơn 20 năm qua Hải Phòng mới có tiềm lực để thực hiện những kỳ vọng từ Đình Vũ. Đầu tiên là sự ra đời của tổ hợp KCN Đình Vũ, một KCN tổng hợp, đa ngành trên diện tích 945 ha. Khu công nghiệp đã được lấp đầy gần 90% với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, đóng góp tích cực vào thu hút FDI của TP. Hải Phòng, thu hút được hơn 60 dự án từ nhiều nhà đầu tư quốc tế như Knauf (Đức), C.Steinweg (Hà Lan), Bridgestone (Nhật Bản), Chevron (Mỹ), Nippon Express (Nhật Bản), JX (Nhật Bản), Idemitsu (Nhật Bản), Nakashima (Nhật Bản), PVOil (Việt Nam), Petrolimex (Việt Nam), PVGas (Việt Nam)…
Thời gian gần đây, các ngành công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ thân thiện với môi trường như dự án mới về kính năng lượng mặt trời và linh kiện ngành tự động hóa đã quyết định lựa chọn Đình Vũ làm địa điểm đầu tư.
Đình Vũ đang từng bước trở thành một cảng mới hiện đại, tầm cỡ khu vực, đáp ứng nhu cầu giao thương, phát triển kinh tế của cả nước thay Cảng Hải Phòng cũ xưa, nằm sâu trong nội thành.
Đây cũng là cảng biển đầu tiên tại Hải Phòng có đủ điều kiện kỹ thuật cho phép tàu có trọng tải 2 vạn tấn ra vào làm hàng, phù hợp với Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía bắc định hướng đến năm 2020.
Cảng Đình Vũ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cùng với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng dẫn nối trực tiếp đến bán đảo Đình Vũ từ năm 2014 và sắp tới là dự án đầu tư hệ thống đường sắt kết nối toàn bộ khu vực Cảng, Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. Cơ sở hạ tầng đồng bộ sẽ là điều kiện thuận lợi để Bến container Tân Cảng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, trở thành cảng container hiện đại có sức thu hút bậc nhất tại khu vực
Một góc KCN Đình Vũ. Ảnh: VGP/Trọng Trí |
Mới đây nhất, Cảng container Nam Đình Vũ có quy mô diện tích hơn 65 ha, với 7 bến cảng container với mớn nước sâu và khu quay trở rộng, vị trí chiến lược là cửa ngõ ra biển Đông có thể tiếp nhận tàu container với trọng tải 30.000 tấn đầy tải hoạt động trên các tuyến vận tải biển xa.
Trong tương lai gần, khi dự án cầu Tân Vũ-Lạch Huyện hoàn thành, đưa vào khai thác giai đoạn 1, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ bốc xếp đồng bộ và hiện đại, có thể tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn lên đến 8.000 TEU (tương đương với tàu trọng tải 100.000 tấn hoạt động trên tuyến vận tải biển xa), được kỳ vọng đóng vai trò trung tâm trong hệ thống cảng biển của Việt Nam và khu vực, là cảng cửa ngõ quốc tế và tương lai sẽ là cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của miền Bắc.
Đối với toàn khu vực, dự án được xây dựng, kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, QL5, QL18, đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, trong tương lai sẽ tạo thành mạng giao thông hoàn chỉnh, phục vụ vận tải hàng hóa ra cảng của khu vực tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Đối với khu vực Hải Phòng, dự án sẽ kết nối và phát triển kinh tế ven biển của Thành phố, góp phần làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cho những dự án nằm trong chương trình phát triển khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải.
Hải Phòng đang vươn ra biển từ Đình Vũ là như thế đó!
Trọng Trí