Công phá môi trường quy mô lớn
Sự phá hủy cảnh quan tự nhiên trong chiến tranh là điều không mới mẻ, nhưng phạm vi của sự phá hủy tự nhiên trong chiến tranh Việt Nam là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử con người. Thiệt hại đối với môi trường là quá lớn và khắc nghiệt đến mức các nhà khoa học gọi đó là “hủy diệt sinh thái”.
Quân đội Mỹ đã công phá môi trường trên quy mô rộng lớn và kéo dài trong nhiều năm, một cách đồng bộ đã làm cho nhiều hệ sinh thái tự nhiên với diện tích rộng lớn ở Việt Nam bị phá hủy. Trước chiến tranh, rừng miền Nam Việt Nam có diện tích bao phủ là 10,3 triệu ha. Trong suốt thời gian chiến tranh, từ năm 1961 tới năm 1971, đã có trên 77 triệu lít chất độc hóa học được sử dụng, hầu hết là chất da cam, trong đó có chứa dioxin (TCDD) với nồng độ độc cao từ3 – 4 mg/l. Diện tích các khu vực bị phun rải chiếm 24% diện tích Nam Việt Nam, 86% lượng chất độc hóa học được trực tiếp rải lên đất rừng, 14% còn lại được rải trực tiếp lên đất nông nghiệp mà chủ yếu là đất trồng lúa. Hơn 2 triệu ha đất rừng đã bị phá hủy bởi sự tấn công của quân đội Mỹ.
Theo các chuyên gia môi trường, tác động của chất độc hóa học rất đa dạng, phá hủy trên 150.000 ha rừng ngập mặn và khoảng 130.000 ha rừng tràm của vùng châu thổ sông Mê Kông và hàng trăm nghìn ha đất rừng nội địa. Các chất độc hóa học đã được rải từ vĩ tuyến 17 tới tận mũi Cà Mau. Rất nhiều loại rừng và tài nguyên thiên nhiên Nam Việt Nam bị tác động.
Ngoài ra, ước tính có khoảng 366 kg dioxin được phun rải xuống miền Nam Việt Nam, chủ yếu là vùng nông thôn. Cho đến nay, dấu vết của dioxin vẫn được tìm thấy trong đất ở hầu hết các vùng bị nhiễm nặng - khoảng 25 “điểm nóng”. Chất dioxin đã gây tác động nặng nề tới môi trường và dân cư địa phương. Các nghiên cứu thực hiện tại một vài điểm nóng như sân bay A So (Thừa Thiên – Huế), Đà Nẵng, Biên Hòa chỉ ra rằng, chất dioxin vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới sức khỏe người dân sống tại các vùng này.
Đảo lộn hệ sinh thái
Một lượng lớn chất độc hóa học với nồng độ cao đã được rải lặp đi lặp lại nhiều lần và trong thời gian dài trên một diện tích rộng lớn ở miền Nam Việt Nam. Ước tính khoảng 34% các khu vực mục tiêu đã bị phun rải nhiều lần và một vài khu vực, đặc biệt là đất rừng nội địa bị rải trên 4 lần. Chất độc hóa học đã giết chết cây cối, các loài động vật, gây ô nhiễm môi trường và làm đảo lộn các hệ sinh thái tự nhiên, làm thiệt hại lớn tới tài nguyên rừng. Chất diệt cỏ rải với nồng độ cao không chỉ phá hủy thành phần dinh dưỡng trong đất, làm cho đất bị cằn cỗi, mà với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa như ở Nam Trung Bộ Việt Nam, các khu rừng rất khó có thể tự phục hồi được.
Sự rụng lá hàng loạt cây rừng đã tạo nên sự ứ đọng các chất dinh dưỡng. Khoảng 10 đến 15 triệu hố bom, chiếm 1% diện tích rừng Nam Việt Nam, gây nên sự bất ổn mặt đất, làm cho đất dễ bị xói mòn do mưa. Hậu quả này còn tác động xấu tới 28 lưu vực sông ở miền Trung Việt Nam: Có 16 lưu vực, trong đó rừng bị phá hủy chiếm tới 30% tổng diện tích tự nhiên của lưu vực; 10 lưu vực mất 30 – 50% diện tích rừng, và 2 lưu vực mất hơn 50%. Hầu hết các con sông này đều ngắn và chảy theo địa hình phức tạp và có ảnh hưởng trực tiếp tới các khu vực hạ lưu. Trong những năm vừa qua, lũ lụt đã tàn phá lưu vực các sông Hương, Thạch Hãn, Hàn, Thu Bồn, Trà Khúc, Côn, Vệ, Cầu và sông Ba, dẫn tới thiệt hại lớn về người và của.
Những hậu quả bi thảm đó vẫn còn dai dẳng đến ngày nay và sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau và những người nghèo, sống phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên thiên nhiên là những người phải chịu dựng nhiều nhất.
X.Hợp