In bài viết

DN có phải trả toàn bộ chi phí điều trị tai nạn lao động không?

(Chinhphu.vn) – Khi người lao động bị tai nạn lao động, việc xác định chi trả chi phí y tế từ phía người sử dụng lao động căn cứ vào mức chi trả từ BHYT cho người lao động có tham gia BHYT.

11/06/2019 08:02

Theo phản ánh của Công ty cổ phần DAP số 2 (Lào Cai), Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn lao động như sau:

"2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu; cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả; những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với người lao động tham gia BHYT;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia BHYT".

Do đó có trường hợp người lao động bị tai nạn lao động (BHYT tham gia ở tuyến tỉnh), người lao động biết sẽ được người sử dụng lao động thanh toán toàn bộ viện phí nên đã từ chối điều trị tại bệnh viện tỉnh (không có chỉ định chuyển viện của bệnh viện tuyến tỉnh) và tự ý điều trị tại Bệnh viện Vinmec Hà Nội với mức chi phí rất cao.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty cổ phần DAP số 2 hỏi, trong trường hợp này, người sử dụng lao động có phải thanh toán toàn bộ chi phí điều trị không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với người tham gia BHYT”.

Do đó, việc xác định chi trả từ phía người sử dụng lao động căn cứ vào mức chi trả từ BHYT cho người lao động có tham gia BHYT.

Trong các trường hợp được hưởng BHYT quy định tại Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, không có trường hợp “người lao dộng đã từ chối điều trị tại bệnh viện tỉnh (không có chỉ định chuyển viện của bệnh viện tuyến tỉnh), người lao động xuống thẳng bệnh viện Vinmec tại Hà Nội”.

Vì vậy, không có sơ sở để người sử dụng lao động chi trả chi phí y tế cho người lao động tham gia BHYT trong trường hợp nêu tại Công văn của Công ty.

Chinhphu.vn